Kỹ thuật ương cá đối mục từ cá hương lên cá giống
Hoàng Trang
Cá đối mục (Mugil cephalus Linnaeus, 1758) là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng nước lợ và vùng ven biển. Cá đối mục nuôi trong ao sinh trưởng tốt, thịt thơm ngon, thường sống theo đàn, thức ăn là thực vật, động vật phù du, động vật đáy, mùn bã hữu cơ.
Sau 1 năm sinh trưởng, cá đối mục có thể đạt trọng lượng từ 300-500 g/con. Trong năm, tốc độ sinh trưởng của cá lớn nhất là từ tháng 4 đến tháng 10. Tốc độ sinh trưởng chậm là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Để chủ động con giống, giảm giá thành sản xuất chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật ương cá đối mục giai đoạn từ cá hương lên cá giống.
1. Điều kiện ao ương
Ao có diện tích từ 500 – 2.000m2, độ sâu mực nước từ 1,2 - 1,5m, đáy ao đảm bảo bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát. Gần nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; mật độ ương: 1.000-2.000 con/m2.
2. Cải tạo ao
Tiến hành dọn sạch cỏ và diệt hết cá tạp trong ao, nạo vét bùn đen chỉ để lại lớp bùn dày 15 – 20 cm. Bón vôi đáy ao và xung quanh bờ với lượng vôi khoảng 25 – 30 kg/1.000 m2. Tiến hành phơi ao 5 – 7 ngày. Sau khi phơi ao tiến hành bón lót các loại phân hữu cơ đã ủ hoai (phân lợn, trâu bò, phân trùn quế…) khoảng 250 kg/1.000m2 để tạo thức ăn cho cá. Sau đó đưa nước vào khoảng 30 – 40 cm, bón phân NPK với lượng 2 –3g/1.000m2 ao. Sau 2 - 3 ngày màu nước lên tốt, cấp thêm nước vào ao đạt độ sâu 1m.
3. Chọn và thả giống
Cá khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không sây sát, không có nấm bám trên thân, không bị bệnh, đều cỡ. Trước khi vận chuyển cá đối mục về phải tiến hành thuần hóa cho phù hợp. Kích thước cá hương để ương từ 2 - 3cm/con, trọng lượng 500 – 700 con/kg. Cá giống trước khi thả ương phải được xử lí bệnh bằng dung dịch Oxytetracilin 5g/1m3, thời gian tắm khoảng 30 phút.
Thả giống: Sau khi vận chuyển cá giống về ao nên ngâm các túi đựng cá trong ao khoảng 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ bên ngoài và bên trong túi. Sau đó mở túi cho nước ao vào túi để cá không bị sốc nhiệt độ rồi từ từ thả ra ao. Nên thả giống vào sáng sớm hay chiều mát, không nên thả lúc trời lạnh. Mật độ thả 80 – 100 con/m2.
4. Chăm sóc và quản lý ao ương
Thức ăn của cá giai đoạn này là thức ăn công nghiệp có độ đạm từ 35-40%, kích cỡ nhỏ, phù hợp với miệng cá. Có thể trộn bột cám với bột cá rồi rải đều quanh ao cho cá ăn. Mỗi ngày cho ăn 2 – 3 lần vào những lúc thời tiết mát mẻ.
Cá đối mục có đặc điểm sợ những tiếng động trên bờ, nên khi cho ăn bà con chú ý thao tác nhẹ nhàng. Khi cho ăn xong bà con tránh tụ tập đông người làm cá hoảng sợ, làm giảm khả năng bắt mồi của cá.
Định kỳ 2 – 3 ngày bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng.
Lượng thức ăn cho cá đối mục trong giai đoạn ương như sau: Tuần đầu, lượng thức ăn chiếm 2 – 3% khối lượng cá trong ao. Từ tuần thứ 2, lượng thức ăn chiếm 1 - 2 % khối lượng cá trong ao. Ngoài thức ăn công nghiệp hỗn hợp trên, bà con cần cung cấp thêm thức ăn tự nhiên cho cá nhằm giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, cá khỏe mạnh, tỉ lệ sống cao. Cứ 5 – 7 ngày dùng cám gạo đã ủ với bột cá hòa với nước tạt đều quanh ao.
Để đảm bảo cá sinh trưởng, phát triển tốt trong suốt giai đoạn ương cần đảm bảo các yếu tố môi trường nhất là khi thời tiết thay đổi. Định kì thay nước hoặc cấp thêm nước mới vào ao, lượng nước thay khoảng 20% lượng nước trong ao. Sau khi thay nước mới vào ao bón vôi để ổn định môi trường nước ao ương, lượng vôi bón từ 10- 20kg/1.000m2.
Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước như pH, nhiệt độ, oxy hòa tan, khí độc NH3, H2S.
5. Thu hoạch
Ương từ 40 – 60 ngày, cá đạt chiều dài 6 - 6,5 cm. Khi thu hoạch cá nên sử dụng lưới hoặc vải mềm, để tránh sây sát làm giảm tỉ lệ hao hụt khi vận chuyển.
Tài liệu tham khảo
Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao CNNN vùng ĐBSCL