10 sự kiện cá tra năm 2012
2012, một năm nhiều thăng trầm của ngành cá tra Việt Nam đối với cả sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng là một năm cá tra thể hiện “sức mạnh” của mình với nhiều dấu ấn. Hãy cùng Thủy sản Việt Nam nhìn lại những sự kiện tiêu biểu của “thế mạnh thứ hai” ngành thủy sản Việt Nam.
1. Giá cá tra xuống mức thấp nhất 5 năm qua: Ba tháng đầu năm 2012, giá cá tra nguyên liệu khá cao, ở mức 26.500 – 28.500 đồng/kg, khiến người nuôi khấp khởi mừng. Tuy nhiên, từ tháng 3/2012 đến tháng 7/2012, giá cá liên tục lao dốc, chỉ còn 20.500 – 21.000 đồng/kg, có lúc rớt xuống 18.000 – 20.000 đồng/kg. Một số người nuôi cho biết, đây là mức giá thấp nhất trong 5 năm qua khiến nông dân đứng trước muôn vàn khó khăn.
2. Vụ vỡ nợ của Bianfishco: Cuối tháng 2/2012, Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) bắt đầu lún vào nợ nần khi không có tiền trả nợ nông dân, ngân hàng, đối tác… Người đứng mũi chịu sào là nữ doanh nhân Diệu Hiền bay sang Mỹ điều trị ung thư. Ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền) phải xin nghỉ việc Nhà nước để về Bianfishco thay vợ gánh vác công việc. Cuối cùng Bianfishco đã được Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tham gia tái cơ cấu toàn diện, đưa Công ty phát triển ổn định trở lại. Đến nay, 35 nông dân bị Bianfishco nợ trên 220 tỷ đồng (thời điểm 4 tháng trước) đã được Bình An trả dứt điểm.
3. 14 nghị sĩ Mỹ phản đối chương trình kiểm soát cá da trơn Việt Nam: Ngày 15/6/2012 (giờ Hà Nội), 14 thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố phản đối việc đưa thêm Chương trình kiểm soát cá da trơn nhập khẩu vào Dự luật Nông nghiệp (Farm Bill) năm 2012. Thượng nghị sĩ John Mc Cain, người phản đối mạnh nhất điều khoản nói trên cho biết, Chương trình kiểm soát cá da trơn sẽ tiêu tốn 30 triệu USD ban đầu để thành lập một văn phòng và mỗi năm mất 14 triệu USD chi phí hoạt động; trong khi đó Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã và đang làm tốt chức năng đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Ông cho rằng, điều khoản sửa đổi đưa vào dự luật này chỉ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ trước hàng nhập khẩu.
4. Gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng hầu như vẫn nằm trên giấy: Đầu tháng 8/2012, trước hàng loạt khó khăn của ngành cá tra, Chính phủ đã đồng ý thông qua đề xuất gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, giúp doanh nghiệp và người nuôi cá tra vượt khó. Sau khi được thông qua, giá cá nguyên liệu đã có chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, đến nay cả người nuôi lẫn doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn nên khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.
5. Thuế chống bán phá giá cá tra về mức thấp nhất: Ngày 31/8/2012, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ của cuộc rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với sản phẩm cá tra, basa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, mức thuế được áp dụng đối với các doanh nghiệp cá tra, basa Việt Nam là bị đơn bắt buộc (các doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu lớn) là 0.00 USD/kg; Mức thuế cho các bị đơn tự nguyện (các doanh nghiệp không được lựa chọn điều tra nhưng tự nguyện tham gia) dựa trên mức trung bình của thuế cho các bị đơn bắt buộc là 0.00 USD/kg; Mức thuế toàn quốc (dành cho các nhà xuất khẩu còn lại không được chọn làm bị đơn bắt buộc và không tự nguyện tham gia hoặc có tham gia nhưng không đầy đủ) là 2,11 USD/kg. Kết quả sơ bộ POR8 cho thấy, đây là mức thuế thấp nhất so với các đợt rà soát hành chính trước đây.
6. Xây dựng Nghị định mới cho ngành cá tra: Hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá giá… giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã xảy ra trong nhiều năm qua, khiến thị trường đang phát triển nóng này ngày càng tiềm tàng nhiều bất ổn. Ngày 10/10/2012, Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội nghị “Xây dựng Nghị định sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra” nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu; Điều tiết các mối quan hệ trong sản xuất; Tạo hành lang pháp lý giúp các tổ chức xa hội tham gia công tác điều hành trong sản xuất va tiêu thụ; Đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng và hướng nghề nuôi cá tra phát triển ổn định, bền vững.
7. Đứng thứ 6 trong top 10 loại thủy sản được ưa chuộng tại Mỹ: Vượt qua cá da trơn Mỹ, với mức tiêu thụ 0,628 pound/người, cá tra Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí thứ 9 năm 2010 lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2011 do Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) bình chọn. Điều này phần nào đã khẳng định được vị trí của cá tra Việt Nam trong lòng người tiêu dùng Mỹ.
8. Kỷ niệm 10 năm cá tra Việt Nam hiện diện ở Hà Lan: Ngày 15/10/2012, Công ty Queens Products ở Varsseveld, Hà Lan tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm sản phẩm cá tra có mặt tại Hà Lan với khẩu hiệu độc đáo “Cá tra – thẳng tiến”. 10 năm sau khi Công ty Queens Products bắt đầu nhập vào Hà Lan, cá tra Việt Nam đã trở thành mặt hàng được ưa chuộng nhất ở đây. Năm 2011, Hà Lan nhập khẩu 5.500 tấn cá tra Việt Nam, tăng so với 4.600 tấn năm 2010, trong đó Queens Products nhập gần 3.000 tấn, đều từ Công ty CP Vĩnh Hoàn.
9. Mexico xem xét việc nuôi cá da trơn Việt Nam: Thấy được lợi nhuận và sự ưa chuộng đối với cá tra Việt Nam trên nhiều thị trường thế giới, Ủy ban quốc gia Nuôi trồng thủy sản và Nghề cá Mexico (Conapesca) quyết định sẽ phân tích tác động của môi trường đối với việc đưa cá basa Việt Nam (Pangasius bocourti) về nuôi tại Mexico.
10. 10% sản lượng cá tra đạt chứng nhận ASC: Năm 2010, Tổng cục Thủy sản, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã ký một Thỏa thuận hợp tác, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp cá tra sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội để đạt được chứng nhận ASC. Các bên ký thỏa thuận đã cam kết hỗ trợ để 100% sản phẩm cá tra xuất khẩu đạt được một trong số các chứng nhận nuôi có trách nhiệm vào năm 2015, với 50% đạt chứng nhận ASC. Trong đó, năm 2012, ngành cam kết 10% sản lượng đạt chứng nhận ASC. Ngày 21/11/2012, tại TP Hồ Chí Minh, các bên tham gia thỏa thuận đã công bố, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đặt ra cho năm là 10% sản lượng đạt chứng chỉ của Hội đồng Nuôi trồng Thủy sản bền vững (ASC).