5 mô hình nuôi cua nổi tiếng trên thế giới
Bài viết này được lược dịch từ sổ tay kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) nhằm cung cấp những mô hình nuôi cua biển phổ biến.
1. Nuôi cua trong ao
Cua biển được nuôi hầu hết trong các hệ thống ao đất cũng giống như các ao đất dùng để nuôi tôm. Nhiều nơi ở châu Á, ao nuôi tôm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc giá thấp được chuyển đổi sang nuôi cua biển.
Nuôi cua biển ngày càng đổi mới về thiết kế với trình độ kỹ thuật nuôi cua khác nhau và cho phép người nông dân sử dụng một ao duy nhất để nuôi cua trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ sản xuất.
Không giống như tôm, cua biển có thể rời khỏi nước và dành nhiều thời gian trên cạn. Kết quả là, nếu không có rào chắn bao quanh ao nuôi cua, đàn cua sẽ đi ra khỏi ao, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Để ngăn cản hành vi này của cua biển, lưới vây thường được sử dụng để bao quanh các ao nuôi cua biển. Chiều cao lưới có thể thay đổi từ 20 đến 50 cm chiều cao so với đỉnh bờ ao.
Ao nuôi cua. Ảnh minh họa.
Lưới thường được hỗ trợ bởi các trụ và có thể được phủ một lớp nhựa trong. Vì cua biển có thể leo lên lưới, nhưng không thể leo lên tấm nhựa. Một số ao có các khu vực hoặc gò đất cao bên trong ao nuôi. Điều này bắt chước những gì xảy ra trong môi trường tự nhiên và cho phép cua thỉnh thoảng rời khỏi mặt nước. Những gò đất này còn được sử dụng làm nơi cho cua ăn.
2. Nuôi cua trong rừng ngập mặn
Vì rừng ngập mặn là môi trường sống tự nhiên của cua biển trong phần lớn thời gian sống khi còn nhỏ và trưởng thành, nên không có gì ngạc nhiên khi hệ thống nuôi này phổ biến.
Vùng nuôi được quây kín để giữ lại đàn cua biển trong một khu vực nhất định của rừng ngập mặn để cua có thể được cho ăn, giám sát sự tăng trưởng và phân quyền sở hữu rõ ràng.
Vùng nuôi được quây kín trong rừng ngập mặn có thể được làm bằng gỗ, hàng rào thực vật (ví dụ: tre, hoặc cành cọ), hoặc bằng lưới có thanh đỡ bằng gỗ. Kích thước mắt lưới hoặc khoảng cách giữa các thanh gỗ của hàng rào cần phải đủ nhỏ để đảm bảo rằng cua có kích thước nhỏ nhất không thể thoát ra ngoài, điển hình là mắt lưới 1–2 cm.
Có thể có lồng ươm nhỏ hơn ở bên trong vùng nuôi, để chứa lượng cua nhỏ trong một khoảng thời gian giới hạn, cho đến khi chúng đủ lớn để được nuôi trong vùng rộng hơn. Đây có thể được coi là một phần của hệ thống vườn ươm hoặc giai đoạn nuôi cua con.
Nuôi cua trong rừng ngập mặn. Ảnh Báo Bạc Liêu.
Chiều cao của hàng rào phải cao hơn mực triều tối đa, để cua con không thể bơi ra khỏi vùng nuôi khi thủy triều lên cao. Thành hàng rào của các vùng nuôi cua biển trong rừng ngập mặn phải được chôn xuống bùn (30–60 cm) để giảm thiểu nguy cơ cua biển đào hang dưới hàng rào. Bên cạnh đó vùng nuôi cua trong rừng ngập mặn cần được thiết kế để không làm thay đổi hệ thống thoát nước tự nhiên và dòng chảy của nước qua rừng ngập mặn.
3. Nuôi cua vỗ béo
Sau khi lột xác, lớp cơ của cua mất một thời gian phát triển để lấp đầy lớp vỏ mới, vì vậy cua này được gọi là cua ốp. Nếu một con cua như vậy được nấu chín, nó sẽ rất ít thịt và nhiều nước bên trong, một trải nghiệm đáng thất vọng nhất đối với người tiêu dùng. Vỗ béo cua biển là quá trình nuôi cua ốp thành cua thịt, cua được giữ và cho ăn trong một thời gian (thường là vài tuần), cho đến khi chúng đầy thịt và sẵn sàng bán ra thị trường.
Nuôi cua trong hộp nhỏ để vỗ béo cua. Ảnh minh họa.
Lồng vỗ béo cua có nhiều cấu trúc khác nhau, bao gồm lồng nhựa, lồng nổi trong ao hoặc bể, lồng lưới…có thể được sử dụng để nuôi cua biển trong thời gian tương đối ngắn để vỗ béo. Miễn là cua được nuôi trong môi trường nước có chất lượng phù hợp, cho ăn thường xuyên và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, thì có thể nuôi cua để vỗ béo ở mật độ cao. Các hoạt động vỗ béo cua có thể được nuôi trong một ao hiện có hoặc hệ thống phức tạp hơn như hệ thống dòng chảy hoặc hệ thống tuần hoàn ở các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên cạn.
4. Nuôi cua kết hợp trồng rừng
Trong thập kỷ qua, có rất nhiều khu rừng ngập mặn đã bị phá hủy hoặc suy thoái nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, những diện tích lớn rừng ngập mặn mới đã được trồng ở nhiều quốc gia, bao gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Ngoài việc cung cấp gỗ, những khu rừng mới này thường được xây dựng xung quanh hệ thống kênh mương để đảm bảo lưu thông và thoát nước. Các hệ thống như vậy cũng đã tạo cơ hội cho nuôi cua biển với mật độ thấp, cả trong kênh và trong các khu rừng ngập mặn mới. Các khu vực của rừng có thể được rào lại để giảm thiểu sự thất thoát cua biển.
5. Hệ thống nuôi cua trong ngăn nhỏ (Cellular systems)
Trong hệ thống nuôi cua trong ô/ngăn, cua được giữ riêng lẻ trong các ngăn nhỏ (hoặc “ô”) để giảm thiểu nguy cơ ăn thịt đồng loại và tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của cua. Mục đích sử dụng chính của hệ thống này là để nuôi cua lột. Cua để nuôi trong các hệ thống như vậy được lấy từ cua tự nhiên hoặc cua nuôi. Cua có trọng lượng 80–120 g được nuôi riêng biệt cho đến khi chúng lột xác, sau đó chúng được làm lạnh hoặc đông lạnh trước khi lớp vỏ mới bên ngoài cứng lại. Thông thường, cua chỉ được giữ trong hệ thống vài tuần cho đến khi chúng lột xác.
Minh họa hệ thống nuôi cua lột. Ảnh từ báo cáo Camila Tavares và cộng sự 2017.
Trong hệ thống nuôi hiện đại có sự kết hợp nhiều công nghệ để giảm thiểu lao động và tự động hóa tối đa. Có một hệ thống phức tạp được thiết kế bao gồm các camera được liên kết với một hệ thống máy tính thường xuyên quét các ô để xem có một hoặc hai con cua trong mỗi ô hay không. Nếu có 2 con cua có nghĩa là con cua đã lột xác, để lại một lớp vỏ rỗng và một con cua lột cần được thu hoạch.