“6 nhà” trong chuỗi liên kết
Ban Quản lý chương trình Hội thảo sơ kết liên kết vùng nuôi tôm có chứng nhận và kết nối thị trường tại Cà Mau vừa tổ chức cuộc họp công bố kết quả phối hợp thực hiện xây dựng mô hình rừng - thủy sản bền vững.
Triển vọng từ mô hình
Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong phát triển ngành hàng tôm, ngay từ năm 2016, dưới sự hỗ trợ của tổ chức ICAFIS và WWF, bằng những hoạt động cụ thể, tỉnh đã xây dựng được nhiều hoạt động liên kết, đặc biệt là liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng. Trong hơn hai năm triển khai dự án tại Cà Mau, Trung tâm ICAFIS, đơn vị tài trợ dự án, cho biết, trung tâm với vai trò như “ông mai bà mối” để kết nối “nhân duyên” giữa doanh nghiệp và người dân, hướng tới, khi đạt chứng nhận ASC thì sản phẩm con tôm có thể “bơi” trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, để mối “nhân duyên” này bền vững lâu dài thì cần sự chung tay của công ty, hợp tác xã (HTX) và cần có sự hỗ trợ của ban, ngành tại địa phương. Để người sản xuất quy mô nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu. Đại diện dự án tôm tại Cà Mau của tổ chức WWF chia sẻ, nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC không có nghĩa là không được sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ao nào có sử dụng kháng sinh thì phải tách biệt ra và không dán nhãn ASC và chứng minh được trong tình huống bắt buộc phải sử dụng.
Đồng thời, do còn mới nên trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ có phát sinh, tuy nhiên quan trọng là những khó khăn đó những người tham gia có cởi mở với nhau để cùng tháo gỡ hay không.
“Hiệu quả mô hình qua hơn hai năm đã kiểm chứng, vấn đề ở đây là những tồn đọng và giải pháp tháo gỡ đã được nhiều đại biểu tham gia hội nghị đặt ra. Khung pháp lý vẫn chưa có giá trị cao trong chuỗi liên kết; sự liên kết giữa các bên còn lỏng lẻo, chưa thật sự chặt chẽ; các thành viên trong HTX và các đối tác vẫn chưa xích lại gần nhau”, ông Đoàn Thanh Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, bộc bạch.
Mô hình trên được Ban Quản lý chương trình UN-REDD II, Cà Mau phối hợp với Dự án MAM2/SNV tổ chức triển khai cho 42 hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, huyện Ngọc Hiển. Thời gian thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018. Ban Quản lý chương trình UN-REDD II, Cà Mau cung cấp tôm giống, Dự án MAM2/SNV hướng dẫn về mặt kỹ thuật, xây dựng mô hình và đảm bảo chất lượng đầu ra. Kết quả tỷ lệ tôm sống đạt yêu cầu, lợi nhuận mang lại khá cao. Đặc biệt là ứng dụng được các loại vi sinh vào sản xuất không gây hại đến môi trường. Các yếu tố khác như nhiệt độ, độ kiềm, pH… đều nằm trong ngưỡng cho phép thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
Việc thử nghiệm mô hình trên bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn. Hy vọng mô hình trên sẽ được triển khai nhân rộng cho nhiều hộ dân khác trên lâm phần, để mô hình tôm sinh thái trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Giải pháp được ngành chuyên môn đặt ra trong lúc này là đẩy mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; tăng cường từng khâu mắt xích trong chuỗi liên kết này.Tăng cường công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp; khuyến khích các ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết này.
Liên kết “6 nhà” là một chiến lược cho tương lai bền vững, bao gồm các thành viên của chuỗi: Nhà nông - Nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp - người nuôi tôm - nhà phân phối. Quan trọng hơn hết là doanh nghiệp xuất khẩu cần minh bạch trong việc cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người sản xuất nuôi trồng thủy sản để tổ chức sản xuất ra sản phẩm đáp ứng cho yêu cầu thị trường và khách hàng; góp phần đảm bảo chuỗi liên kết thủy sản phát triển bền vững, ổn định.
Xây dựng những trang trại nuôi tôm với chuỗi liên kết chặt chẽ là tham vọng của ngành thủy sản Cà Mau. Ảnh: TIẾN ĐẠT
Chuỗi giá trị của HTX Cái Bát
HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước) thành lập năm 2013, gồm 12 thành viên với 47ha, đến năm 2016 tham gia Dự án “Chuỗi giá trị tôm công bằng bền vững tại Việt Nam” (viết tắt là SUSV), số thành viên HTX tăng lên 57 người và hiện tại là 127 thành viên với 430ha đất nuôi tôm; trong đó, có 90ha nuôi thâm canh, 10ha nuôi bán thâm canh, còn lại là quảng canh.
Trước đây, hoạt động nuôi tôm hầu hết là mạnh ai nấy làm, nhưng từ khi được Dự án SUSV hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, được doanh nghiệp liên kết thực hiện chuỗi giá trị ngành tôm hỗ trợ 500.000 đồng/ha đối với nuôi quảng canh và 8 triệu đồng/ha đối với nuôi thâm canh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ HTX bảo hiểm an toàn điện, xây dựng nhà kho và thuê tư vấn tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên HTX.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Cái Bát cho biết, thông qua Dự án, HTX liên kết với các doanh nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra rất hiệu quả. Ngoài những hỗ trợ trên, thành viên HTX còn được mua con giống với giá rẻ hơn 15 đồng/con, thức ăn rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg và thuốc thú y, chế phẩm sinh học… đều giảm 20 - 25% so với bên ngoài. Đối với tôm nuôi, khi thu hoạch được doanh nghiệp Thanh Đoàn thu mua với giá tương đương hoặc cao hơn 2.000 - 5.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong đợt bão số 16 vừa qua, khi các hộ nuôi tôm khác thu hoạch chạy bão bị thương lái ép giá mỗi ký đến 20.000 đồng, thì hơn 20 tấn tôm của các thành viên HTX Cái Bát thu hoạch trong thời điểm trên vẫn bán được đúng theo giá thị trường, giảm được thiệt hại hơn 400 triệu đồng.
Chính từ hiệu quả và sự công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của ban lãnh đạo HTX, người nuôi bắt đầu nhận thức được những lợi ích khi tham gia sản xuất hợp tác, nên số lượng thành viên tăng lên rất nhanh.
Sau khi được tập huấn, tuyên truyền về nuôi tôm bền vững, các thành viên HTX đều hiểu rằng, muốn nuôi tôm thành công và lâu dài, không chỉ có con giống tốt, thức ăn chất lượng mà quan trọng hơn chính là ở ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng nuôi tôm để hạn chế phát sinh dịch bệnh.
Thành công trong sản xuất của HTX Cái Bát có được còn do việc quản lý hoạt động dựa vào phân công đầu mối quản lý. Chia sẻ về điều này, ông Lâm cho biết thêm: “Chúng tôi chia ra thành nhiều tổ do tổ trưởng quản lý, còn lãnh đạo HTX chỉ làm việc trực tiếp với đầu mối là tổ trưởng, nên công việc quản lý, điều hành cũng dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn. Tất cả thành viên Hội đồng Quản trị đều xác định, muốn làm ăn hiệu quả trước hết phải tạo dựng được lòng tin lẫn nhau thông qua việc công khai, minh bạch tất cả các khoản thu, chi cho thành viên HTX biết và giám sát”.
Hiệu quả ban đầu đã được kiểm chứng, vấn đề là trong chuỗi sản xuất này, các bên cần thể hiện cao hơn nữa trách nhiệm trong hoạt động của chuỗi. Để từ những mô hình điểm có thể nhân rộng ra nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp của tỉnh.