TIN THỦY SẢN

7 tháng, xuất khẩu nông, thủy sản giảm mạnh

Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN Thu Hằng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 7 ước đạt 2,47 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 7 tháng qua lên 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm mạnh như cà phê (33,7%), cao su (9,2%) và gạo (8,3%). Xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm rất mạnh ở thị trường lớn nhất là Mỹ (27,71%).

Cụ thể, ở một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: xuất khẩu gạo 7 tháng ước đạt 3,72 triệu tấn và 1,59 tỷ USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc tuy vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng có xu hướng giảm so với năm trước. Trong khi đó, đáng chú ý thị trường Malaysia có sự tăng trưởng đột biến khi tăng gấp 2,3 lần về lượng và gấp 2 lần về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,36% thị phần.

Xuất khẩu cà phê 7 tháng ước đạt 792.000 tấn với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, giảm 33,9% về khối lượng và giảm 33,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,31% và 11,53%.

Đối với mặt hàng cao su, xuất khẩu trong 7 tháng đạt 519.000 tấn, giá trị đạt 760 triệu USD, tăng 13,6% về khối lượng nhưng giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp, giá cao su thành phẩm tại thị trường trong nước ở mức thấp trong bối cảnh u ám của thị trường cao su thế giới do cán cân cung cầu cao su thiên nhiên mất cân đối khi nguồn cung cao su thiên nhiên tăng nhanh trong những năm gần đây. Giá cao su xuất khẩu chỉ tăng ở hai thị trường chính là Trung Quốc và Ấn Độ, còn lại giảm ở cả 8 thị trường chính khác.

Xuất khẩu hạt điều và tiêu có thuận lợi hơn khi tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Giá hạt điều tại Bình Phước ở mức khá cao so với các năm trước nhờ giá xuất khẩu và nhu cầu thu mua phục vụ chế biến tăng. Giá hạt tiêu tăng là do nguồn cung hạn chế, trong khi xuất khẩu hồ tiêu trong thời gian qua đã tăng giá trở lại. Xuất khẩu hạt điều 7 tháng đạt 184.000 tấn với 1,34 tỷ USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 7 tháng 3,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 66,33% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hong Kong (30,2%), Hoa Kỳ (18,8%), và Đức (12,9%).

Thu Hằng TTXVN/Báo Tin Tức, 27/07/2015