TIN THỦY SẢN

9 tháng 11.502ha diện tích nuôi tôm bị bệnh

Diện tích tôm bệnh tăng và diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: internet Thành Trung/BNEWS

Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 11.502ha, tăng 36,5% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích bị bệnh đốm trắng là 4.265ha và diện tích bị bệnh hoại tử gan tuỵ cấp là 5.938ha.

Theo báo cáo của các địa phương, 9 tháng năm 2017, tổng diện tích nuôi thuỷ sản bị thiệt hại có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tổng diện tích nuôi thuỷ sản bị bệnh lại tăng so với cùng kỳ và còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 11.502ha, tăng 36,5% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích bị bệnh đốm trắng là 4.265ha và diện tích bị bệnh hoại tử gan tuỵ cấp là 5.938ha.

Tổng diện tích nuôi cá tra bị bệnh là hơn 308ha, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn dịch bệnh ở các loài thuỷ sản khác; trong đó, nguy cơ có bệnh mới xuất hiện trên cá rô phi nuôi là rất cao, cũng như do tác động bất lợi của yếu tố môi trường và thời tiết đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu.

Trước tình hình dịch bệnh thuỷ sản có diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế của người nuôi trồng thuỷ sản, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thuỷ sản.

Theo đó, căn cứ vào tình hình nuôi trồng thuỷ sản và dịch bệnh thuỷ sản tại địa phương, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ kinh phí để triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản năm 2018 theo quy định của Luật Thú y. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức hướng dẫn xây dựng cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản an toàn dịch bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện "Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên cá tra, giai đoạn 2015-2020" và "Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mặc dù, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch Quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra góp phần phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017-2020, đây là căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 địa phương đã phê duyệt Kế hoạch giám sát dịch bệnh phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2018-2020 với tổng kinh phí trên 36 tỷ đồng.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường về an toàn dịch bệnh: Australia (từ tháng 7/2017), Hàn Quốc (từ tháng 4/2018) và nhiều nước khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh phục vụ xuất khẩu từ tháng 1/2018 và các năm tiếp theo. 

Thành Trung/BNEWS TTXVN