Ấm lòng mùa nước nổi miền Tây
Con nước về tràn đồng mang theo những hạt phù sa trĩu nặng và vô vàn sản vật tự nhiên, cá tôm đầy ắp khoang xuồng. Những vạt bông súng đua nhau nở trên cánh đồng khi nước lũ đi qua. Những bông điên điển vàng tươi khoe sắc trong nắng mới. Những bữa cơm nghèo cũng bớt phần đạm bạc vì vẫn còn đó những cánh đồng ngập nước mênh mông chờ đón những cuộc mưu sinh của vạn chài. Mùa nước nổi năm nay về miền Tây dẫu có muộn màng nhưng vẫn làm ấm lòng người dân miền sông nước, ngóng trông, thương nhớ.
Mùa nước nổi đã trở thành thông lệ, như một người bạn thân quen của người dân miền Tây sông nước. Hằng năm, cứ sau Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) là con nước bắt đầu quay, chuyển từ mầu xanh sang đỏ gạch, người miền Tây gọi là “nước son”. Đó là dấu hiệu mùa nước nổi đang về. Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”. Vậy mà, rằm tháng bảy năm nay, con nước không chịu... nhảy khỏi bờ, vẫn lè tè, lấp xấp dưới chân đê. Người dân sống nghề chài lưới ở miền Tây lại bị con nước lỗi hẹn. Những cuộc mưu sinh mùa nước nổi của hàng chục nghìn người rơi vào bế tắc, bởi mọi sự chuẩn bị, lọp, lưới, lú, dớn... đều phải mua sắm từ đầu mùa. Vậy mới có chuyện “nghèo vì con nước không lên”. Vậy mới thấy, người miền Tây ngóng trông con nước nổi như ngóng một người bạn đi xa, mỗi năm đến hẹn, mà chưa thấy bóng dáng tìm về là lòng dạ bồi hồi, bâng khuâng khó tả. Nỗi nhớ mùa nước nổi miền Tây càng da diết hơn, bởi con nước đã một lần lỡ hẹn năm ngoái. Bao nhiêu hồi hộp, chờ mong, dồn hết cho năm nay. Vậy mà, đầu mùa, hỏi thăm anh bạn ở ven vùng biên giới tây nam, nơi đón những dòng nước đầu tiên từ thượng nguồn đổ về thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, giọng bạn buồn buồn: “Mình chỉ mua được 2 kg cá linh non biếu tặng bạn bè, dẫu ở ngay đầu nguồn lũ. Năm nay, nước còn thấp hơn năm ngoái”. Tôi mường tượng một viễn cảnh không mấy đẹp. Những năm sau, có còn mùa nước nổi đồng bằng, đúng nghĩa!?
Bất chợt, con nước cuồn cuộn đổ về trên những dòng sông biên giới tây nam. Vào giữa tháng 9, thì từ muôn phương, vạn nẻo, nước mới chịu ùa về những dòng sông, tràn cả lên những cánh đồng ven biên giới còn nguyên mùi gốc rạ. Nhiều người bảo, nếu con nước không về bất chợt, thì đồng bằng sông Cửu Long sẽ lập nên hai kỷ lục, trong năm nay. Kỷ lục về cơn hạn “bà chằn” kinh khủng nhất lịch sử trong vòng 90 năm qua. Và kỷ lục về mực nước lũ thấp nhất miền Tây, sém chút nữa là xác lập. Chỉ trong vòng một tháng, mực nước dâng cao cả thước, trên đồng. Nước nổi về dẫu muộn màng vẫn không quên hào phóng mang theo phù sa trĩu nặng vun bồi cho những cánh đồng ven biên giới và cá tôm, sản vật của riêng mình…
Từ sông Sở Thượng, chiếc ca-nô lướt qua mấy đoạn sông lớn, rẽ vào ngã ba vàm Xép, tiếp tục vượt mấy khúc kênh ngoằn ngoèo nữa hướng về đồng lũ. Hơn 4 giờ sáng, chúng tôi có mặt trên cánh đồng nước nổi xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Không gian tối đen. Những đốm sáng le lói đằng xa. Ông Út Bắc, ngư dân hơn hai mươi năm sống bằng nghề dớn lưới mùa nước nổi ở nơi này, quả quyết, mỗi đốm sáng là một xuồng câu, lưới của vạn chài làm nghề hạ bạc. Theo lời ông Út Bắc, nước về tuy muộn nhưng cũng giúp cho tôm cá có nơi để sinh sôi, nảy nở. Nước về, tôm cá cũng về theo. Cho nên, trên cánh đồng ngập nước của xã Bình Thạnh bây giờ ken kín những đường dớn lưới, đường ven nuôi tôm mùa nước nổi và còn là điểm hẹn của những ngư dân khắp miệt Cửu Long tụ hội, mưu sinh. Ông Út Bắc vung cánh tay quét ngang một vùng rộng lớn phía trước tầm nhìn, bảo, sở dĩ có nhiều tôm cá là vì cánh đồng này giáp với cánh đồng ngập lũ xã Sà - đách (Sdach), huyện Sà - đách, tỉnh Pray-veng của nước bạn Cam-pu-chia. Khi con nước tràn đồng, các cánh đồng biên giới nối liền nhau, mênh mông như biển cả. Chỉ có những người dân địa phương và bộ đội biên phòng mới có thể nhận ra đường biên giới, là rặng cây vươn lên giữa cánh đồng ngập nước, làm cột mốc. Ngư dân chỉ đánh bắt trên cánh đồng ngập lũ nước nhà. Bởi sự giao thoa mặt nước, tôm cá trên đồng bạn theo con nước dập dìu xuôi về các cánh đồng lân cận, đánh bắt trúng mắc ham.
Đâu chỉ trên đồng, dưới sông, kênh, rạch cũng lắm tôm, nhiều cá. Ngư dân Lê Văn Đáng khoe: “Tôi đặt tám cái dớn lưới dày trên đồng để bắt cá linh và bốn cái dớn thưa dưới sông kiếm thêm tôm, cá lớn”. Hôm gặp anh Đáng trên sông cũng là lúc anh đổ chiếc dớn lưới cuối cùng. Vừa kéo chiếc túi lưới lên khỏi mặt nước, mấy con cá mè hoa to hơn cả bàn tay đã nhảy tung tăng. Trên xuồng, chiếc thùng nhựa loại gần hai chục lít chật cứng cá linh vừa đổ được. Giở chiếc khoang đụt xuồng lên, anh Đáng khoe, đó là chiến lợi phẩm của một đêm, thức sớm chẳng uổng tí nào. “Bữa nay kiếm bộn, vài trăm ngàn là cái chắc. Mùa nước nổi năm nào tui cũng kiếm vài chục triệu đồng từ nghề đặt dớn lưới này, sống khỏe re”, ngư dân 45 tuổi có nước da rám nắng hớn hở khoe.
Khi mặt trời bắt đầu trồi lên khỏi đọt sào, rải những tia nắng đầu tiên xuống cánh đồng ngập nước cũng là lúc công việc của ngư dân phải hoàn tất. Họ cho xuồng di chuyển, hướng thẳng về phía chợ Bình Thạnh hoặc mấy bến chợ quê để kịp cân cá cho cánh bạn hàng. Tôi bám theo cánh xuồng câu dớn đến chợ Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nằm ven quốc lộ 30. Chạy dọc tuyến quốc lộ này về phía thượng nguồn, vẫn còn nhiều chợ “chòm hổm” (ngồi xổm) nhóm họp ven đường. Chủ yếu là sản vật tự nhiên do người dân khai thác được trong mùa nước nổi như: cá tôm, cua, ốc, rắn, lươn, bông súng, bông điên điển... Tôi thật sự bất ngờ với cảnh họp chợ vô cùng nhộn nhịp ở nơi đây. Tại chợ Bình Thạnh, cơ man là cá. Hàng chục loại cá đồng của mùa nước nổi, mà nhiều nhất vẫn là cá linh. Vừa đổ túi cá linh còn nhảy soi sói ra thau, bà Nguyễn Thị Bàng đon đả mời khách. Bà Bàng nói, nhà bà hơn chục năm làm nghề đặt dớn lưới cá linh. “Cứ tưởng năm nay lỗ vốn, vì đầu mùa nước nổi bỏ ra cả chục triệu đồng mua lưới, mua xuồng. Khi con nước không chịu tràn đồng, vợ chồng tui đã định đem dớn lưới gác lên xó bếp. Nào ngờ, con nước đột ngột dâng cao. Ông nhà tui đem dớn ra đồng đặt thử, không ngờ cá chạy mắc ham. Mỗi bữa đổ vài chục ký, đem chợ bán cũng mấy trăm ngàn đồng, sống khỏe qua mùa nước nổi”, bà vui vẻ kể.
Bốn chiếc xuồng cui lụt đụt rời khỏi bến, khi đồng hồ điểm 4 giờ. Công việc này đã trở nên quen thuộc với những dân chài trong mùa nước nổi, hằng năm. Đêm nay, mưa bất chợt ập về. Mưa như trút nước. Nhưng không vì thế mà ngăn được những cuộc mưu sinh âm thầm diễn ra trên cánh đồng biên giới. Từ bến sông này, họ vượt dòng nước xiết trên kênh Vĩnh Tế rồi len lỏi sâu vô cánh đồng ngập lũ. Bóng họ khuất dần trong màn đêm. Tôi chỉ còn nghe tiếng gió rít rào rào. Tiếng mưa xé nát màn đêm tĩnh mịch. Tiếng máy nổ dần xa rồi mất hút. Tôi không được theo xuồng, trong đêm nay. Bởi theo lời chị Lý, trên cánh đồng ngập lũ có lắm chuyện bất ngờ. Chỉ cần trong mưa xuất hiện thêm giông, thì cánh đồng lũ hiền hòa bỗng trở thành biển dữ, sinh mạng con người thoắt trở nên mong manh. Với họ, dẫu gió mưa, buốt lạnh cũng không hề gì. “Hổng sao. Quen rồi!”, chị nói trước khi chiếc máy đuôi tôm rồ ga đẩy xuồng lao đi trong bóng tối. Tôi tần ngần dưới bến sông. Họ như những “thân cò” bì bõm trong những cơn mưa trút nước. Cuộc mưu sinh đâu có dễ dàng...
Tám giờ sáng. Xuồng chị Lý là chiếc đầu tiên về cập bến trên dòng kênh Vĩnh Tế. Tôi chạy ào xuống bến sông. Gương mặt khắc khổ của chị vụt tươi rói, dưới vành nón lá sờn cũ phai màu. "Chiến lợi phẩm" khá nhiều: Một xuồng đầy bông súng khoe cánh trắng tinh khôi trong nắng mới. Đẩy xuồng cập bến, chị kể, đêm qua mưa lớn quá, cánh xuồng cui đi hái bông súng phải dạt vào mấy đường dớn để có chỗ đậu neo. “Giữa đồng không mông quạnh, nếu gặp phải mưa to gió lớn thì chỉ biết bám víu mấy những rặng cây, tránh sóng. Mưa nhỏ thì dầm mình hái bông súng để về kịp chuyến trong buổi sáng mai. Nếu mưa lớn quá thì phải tìm nơi trú ẩn, khi nào bớt hay tạnh mưa mới hái tiếp”, chị Lý cho hay. Chị Lý là một trong bốn người ở xóm Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang bám víu nghề hái bông súng ma trong mùa nước nổi. Loại rau đồng nước này là đặc sản trứ danh mùa nước nổi miền Tây. Theo kinh nghiệm của những bậc cao niên sống hai bên bờ kênh Vĩnh Tế, bông súng ma có sức sống tiềm tàng và mãnh liệt. Chỉ chờ con nước tràn đồng là những hạt mầm ẩn trong lớp đất khô cằn, sinh sôi phát triển. Nước dâng tới đâu, cọng bông súng cao theo tới đó rồi vượt lên khỏi mặt nước, khoe những cánh hoa tươi trong nắng gió. Loài rau đồng nước hoang dại này cũng là nguồn mưu sinh của rất nhiều gia đình nghèo ở ven biên giới. Như gia đình chị Lý, gần 20 năm gắn bó với nghề hái bông súng ma trong mùa nước nổi. “Dẫu phải thức khuya, dậy sớm và cực khổ nhưng nghề hái bông súng ma giúp cuộc sống tôi ổn định suốt mấy tháng, mùa nước nổi. Mỗi ngày, thu nhập cũng được trăm mấy, gần hai trăm ngàn đồng”, chị Lý thổ lộ. Chị Pha, hàng xóm cũng là "đồng nghiệp" với chị Lý, cho biết, bông súng ma mọc thành từng vạt lớn trên cánh đồng biên giới ngập lũ của xã Vĩnh Tế. Từ bờ kênh Vĩnh Tế, tới khu vực hái bông súng ma độ cỡ hơn cây số, đường chim bay. “Cánh đồng này giáp với cánh đồng của nước bạn Cam-pu-chia. Năm nào cũng vậy, cánh đồng bông súng thu hút hàng chục xuồng ghe của người dân sống bên bờ kênh biên giới tụ hội, mưu sinh”, chị Pha nói.
Chiều về. Mặt trời buông những tia nắng cuối cùng trên cánh đồng biên giới mênh mông nước đỏ, rồi khuất dần sau rặng Thất Sơn. Chị Lý hái vội những chùm bông điên điển vàng ươm, mớ bông súng ma, rau muống đồng, cá linh, nấu nồi canh chua. Khói bếp chiều quê lãng đãng tựa sương giăng. Nồi cơm sôi đẩy tung chiếc nắp vung trên bếp củi. Nồi canh chua thơm lừng, nghi ngút khói. Chị mời tôi ăn bữa cơm đạm bạc của mùa nước nổi, mà sao thấy nghe lòng mình ấm áp lạ thường. Đồng chiều biên giới trỗi lên bản hòa ca của gió, của nước, của chim muông, réo rắt.