Ăn cá giúp bảo vệ môi trường
Một nghiên cứu mới đã xác định được những loại hải sản giàu dinh dưỡng hơn và ít tác động môi trường hơn so với thịt bò, thịt lợn hay thịt gà.
Nghiên cứu được công bố ngày 8/9 trên tạp chí Communications Earth & Environment, cho thấy động vật hai mảnh vỏ được nuôi trong trang trại (như trai, sò và hàu) và cá đánh bắt tự nhiên (các loại cá nhỏ sống trên bề mặt như cá cơm, cá trích) tạo ra ít khí thải nhà kính hơn và giàu chất dinh dưỡng hơn các loại thịt gia súc gia cầm nuôi phổ biến hiện nay.
Sản xuất lương thực tạo ra khoảng một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, chủ yếu là methane và carbon dioxide. Hơn một nửa lượng khí thải từ sản xuất lương thực là do chăn nuôi gia súc. Người ta thường nghĩ đến chế độ ăn giàu thực vật nếu muốn hạn chế tác động đến môi trường. Trong khi đó, ít ai để ý đến các chế độ ăn hải sản, hay còn gọi là chế độ ăn màu "xanh dương".
Đối với 41 loài hải sản, các nhà nghiên cứu đã thiết lập một điểm số mật độ dinh dưỡng, phản ánh các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất béo và vitamin. Các loài được khảo sát bao gồm cá nuôi và cá đánh bắt tự nhiên, động vật giáp xác, động vật hai mảnh vỏ và động vật chân đầu (như bạch tuộc và mực). Sau đó, nhóm nghiên cứu đối chiếu điểm dinh dưỡng với dữ liệu về phát thải từ chăn nuôi hoặc đánh bắt các loài này.
Một nửa số loài hải mang lại rất nhiều dinh dưỡng, trong khi phát thải rất ít. Cá hồi hồng (Oncorhynchus gorbuscha) đánh bắt tự nhiên, cá hồi đỏ (Oncorhynchus nerka), cùng với các loài cá nhỏ đánh bắt tự nhiên và động vật hai mảnh vỏ nuôi trong trang trại là những lựa chọn tốt nhất, giàu dinh dưỡng, ít phế thải.
Các loài cá trắng như cá tuyết cũng ít tác động đến môi trường, nhưng thuộc nhóm ít dinh dưỡng nhất. Động vật giáp xác đánh bắt hoang dã tạo ra nhiều khí thải nhất, ngang với thịt bò, có thể do hệ thống tàu bè và thiết bị cần để đánh bắt chúng.
Các tác giả lưu ý rằng dữ liệu phát thải của họ không bao gồm lượng khí thải "sau thu hoạch", chẳng hạn như lượng khí thải được tạo ra từ quá trình làm lạnh hoặc vận chuyển.
Kết quả này cho thấy một góc nhìn thú vị về vai trò của hải sản trong hệ thống thực phẩm, Zach Koehn, nhà khoa học biển tại Trung tâm Giải pháp Đại dương Stanford ở California, cho biết. Tuy nhiên Koehn lưu ý, trên thực tế, không dễ để cung cấp hải sản trên diện rộng với giá cả phải chăng. Những người cần nguồn dinh dưỡng nhất có thể là những người khó tiếp cận hải sản.
Đồng tác giả nghiên cứu, nhà kinh tế sinh thái Peter Tyedmers tại Đại học Dalhousie đồng ý rằng khả năng tiếp cận một chế độ ăn uống đa dạng là đặc quyền không phải ai cũng có. Nhưng mọi cơ hội thay thế thịt bằng hải sản là một chiến thắng nhỏ về khí hậu, không nhất thiết là thay đổi hoàn toàn chế độ ăn, theo Tyedmers.