TIN THỦY SẢN

An Giang: Đồng hành xuất khẩu cá tra

Thu mua cá tra của ngư dân Minh Hiển - Xuân Mỹ

Xuất khẩu cá da trơn Việt Nam ra thế giới đến nay đã 20 năm, ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy sản AFA (Công ty AFA) có những đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của ngành.

Sáng kiến

Quê ở xã Khánh Bình (An Phú), từ nhỏ, ông Đỗ Văn Nghiệp đã gắn bó với nghề nuôi cá basa bằng việc ra sông Hậu câu cá giống, bán cho chủ bè nuôi cá thịt. Những năm đầu của thập niên 80, nghề nuôi cá basa xuất khẩu phát triển mạnh ở ĐBSCL, sản lượng nuôi lên đến 450.000 tấn/năm, con giống lúc này bắt đầu thiếu hụt. Trước thực tế này, ông đã tham gia vào Công ty Mê Kông với tư cách là người làm thuê (nhưng rất giỏi về kỹ thuật) để cùng các cộng sự tại đây nghiên cứu cho cá basa sinh sản nhân tạo, giải quyết nạn thiếu hụt cá giống. Nhờ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ sau 1 năm, ông đã được cất nhắc từ vị trí công nhân lên làm quản lý và là Trưởng Bộ phận Kỹ thuật, chịu trách nhiệm nuôi hơn 50 bè cá basa. “Lúc này, tôi đã đề xuất trong 1 bè nuôi cá basa nên thả kèm 20% cá he, cá hú, cá chài để ăn mồi tàn của cá basa, tránh lãng phí thức ăn” – ông Nghiệp thông tin.

Đề xuất của ông Nghiệp vừa tiết kiệm được lượng thức ăn, vừa nâng cao hiệu suất của một chu kỳ nuôi. Cũng trong thời gian này, ông đã cùng Ban Giám đốc Công ty Mê Kông lên tận biển Hồ để nghiên cứu đặc tính sinh học của cá basa, bắt cá bố mẹ về công ty nuôi vỗ đến tuổi thành thục, cho sinh sản nhân tạo. Sau nhiều lần thất bại, năm 1998, nhóm nghiên cứu của ông đã thành công. Hàng chục triệu con cá basa đã ra đời bằng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm. Thành công này đã chấm dứt tình trạng thiếu hụt cá giống, mở ra một bước ngoặt lớn cho ngành cá da trơn Việt Nam. Công ty Mê Kông lúc bấy giờ được xem là “tập đoàn cá bè” đầu tiên ở Việt Nam.

Trở thành ông chủ

Là người nuôi cá đạt hiệu quả cao, ông Nghiệp nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng. Năm 2000, Việt Nam xuất khẩu cá ra thế giới với sản lượng lớn, ông Nghiệp được nhiều nhà máy mời về hợp tác, trong đó có doanh nhân Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico). Thay vì làm thuê, ông đã trở thành đối tác của Navico trong cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến. Đầu năm 2000, Navico chỉ sản xuất 40 tấn nguyên liệu/ngày nhưng đến cuối năm 2004, công suất đã nâng lên 350 tấn/ngày. Để làm tốt khâu cung ứng nguyên liệu, ông Nghiệp đã mua ghe trọng tải từ 20 – 30 tấn để chở cá. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông mua được 1 chiếc, 39 chiếc còn lại phải thuê bên ngoài. Về sau, ông tiếp tục mua thêm và đến cuối năm 2004, ông sở hữu đội ghe 40 chiếc để vận chuyển cá. Cán bộ, công nhân viên công ty lúc này tăng lên 200 người. Đến năm 2007, ông đã thành lập Công ty AFA.

Từ người làm thuê trở thành chủ doanh nghiệp, ông Nghiệp luôn cảm thông sâu sắc với người lao động. Nhân viên của ông đều được mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hàng năm đều có lương “tháng 13”, được tạo điều kiện cho đi tham quan du lịch. Công ty nhiều năm liền được các ngành, các cấp tặng nhiều Bằng khen, trong đó Cục Thuế tỉnh biểu dương về thành tích nộp thuế. “Những phát kiến nhỏ của ông Nghiệp như dùng bã đậu nành cho cá ăn mau lớn, bịt đầu bè đưa thuốc thú y thủy sản xuống nước trị các bệnh ngoài da cho cá đến việc hợp tác nghiên cứu, cho cá basa thụ tinh trong ống nghiệm đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho nghề nuôi cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL” – ông Lương Văn Bền, ngư dân TP. Châu Đốc, nhận xét.

“Thế mạnh của Công ty AFA là trong một thời gian ngắn có thể giao cá với số lượng lớn, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng cá tốt, màu sắc ổn định, kích cỡ đồng đều; cá không bị bệnh, bị nhiễm kháng sinh hay các chất cấm khác. Việc này đã giúp cho nhà máy yên tâm trong khâu mua nguyên liệu chế biến, hạ thấp được rủi ro” – ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, nhận xét.

Minh Hiển - Xuân Mỹ Báo An Giang, 16/12/2015