TIN THỦY SẢN

An Giang: Mùa ương nuôi thủy sản

Cơ sở ương nuôi cá giống Bà Khen ở Mỹ Quý (TP. Long Xuyên)

Lũ về, nhiều trại giống thủy sản tất bật với công việc ương nuôi nguồn cá bột để cung ứng cho người dân nghèo nhàn rỗi chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống gia đình trong mùa nước nổi.

Ghé thăm trại cá giống út Tấn (cặp Quốc lộ 91, ngụ xã An Hòa, huyện Châu Thành) gặp anh Phạm Thiện Tấn đang vá lại mành lưới để mở rộng quầng đăng chuẩn bị thúc mẻ cá giống vừa mới ương. Anh Tấn nói, hằng năm, khi mùa nước nổi tràn đồng cũng chính là mùa làm ăn thu nhập khá trong năm. “Nếu như năm ngoái chú em đến đây vào thời điểm này thì vợ chồng tôi chẳng tiếp được vì còn đang ở dưới hầm lo gạn cá giống lên bán. Còn năm nay, do con nước nhỏ nên công việc mua bán cá giống cũng giảm”, anh Tấn nói.

Đến thời điểm này, con nước chưa cao nên bà con nông dân mua cá giống về nuôi giảm khoảng 60%. Năm ngoái, nguồn cá giống tại cơ sở của anh đã bán ra được khoảng 40.000 con, còn hiện tại chỉ bán được mới 10.000 con. Nguyên nhân do một phần nước lũ thấp nên người dân không có điều kiện về diện tích mặt nước để nuôi. Mặt khác, lũ năm ngoái lên nhanh, có đêm nhóng đến 4 tấc nước làm nhiều vèo cá, ao cá ngập sâu, bà con mất trắng tay trong mùa lũ. Do đó, năm nay người dân nghèo dè chừng “lũ năm Thìn” nên không mạnh dạn đầu tư nhiều vào việc chăn nuôi thủy sản trong mùa nước nổi.

Trại ương nuôi cá giống của anh út Tấn mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu con cá bột các loại. Ngoài ra, anh út Tấn còn xuất bán cá giống sang nước bạn Campuchia. Út Tấn chia sẻ: “Trại cá giống này tôi thành lập từ năm 1990, ban đầu ương nuôi chỉ vài trăm ngàn con cá giống cung cấp cho dân nghèo trong tỉnh. Vài năm sau, chất lượng con giống ở trại giống của tôi được nhiều người biết đến, người dân ven biên giới Campuchia cũng sang đây đặt mua cá giống đem về thả nuôi. Năm ngoái, có đến cả ngàn hộ Campuchia sang mua cá mè vinh, cá trê phi, cá chép, cá rô phi về nuôi. Làm ăn uy tín, con giống cũng chất lượng nên người nuôi rất thích mua cá từ trại giống của tôi về nuôi để cải thiện cuộc sống gia đình”.

Mùa lũ năm nay, cơ sở ương nuôi cá giống Bà Khen ở Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) cũng vắng người mua. Anh Hồ Anh Dũng chủ trại giống rầu rầu: “Nếu tình hình lũ năm nay thấp thì cơ sở của tôi sẽ đóng cửa. Ngoài ra, tôi còn có cơ sở II ương nuôi cá giống nằm ở Quốc lộ 91, thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành. Năm ngoái, người dân đến mua không kịp bán, nhất là lượng cá trê, cá lóc giống. Hễ mẻ cá nào ương ra thì đã có người đến đặt cọc mua. Hổm rày, do buôn bán ế ẩm tôi đóng cửa một cơ sở tại Bà Khen, còn cơ sở ở Bình Hòa chỉ đang hoạt động cầm chừng. Tháng rồi, lượng cá giống bán chậm nên không đủ tiền trả lương anh em giúp việc”.

Dọc theo tuyến kênh Mặc Cần Dưng hay kênh xáng Vịnh Tre, công việc chăn nuôi thủy sản mùa nước nổi cũng giảm hẳn. Chúng tôi gặp ông La Văn Đại, một dân nghèo đang lục đục đăng 2 cái vèo dưới kênh xáng Vịnh Tre để chuẩn bị thả cá lóc giống vào nuôi. Ông Đại cho biết, tận dụng mùa nước nhàn rỗi, ông cùng vợ đi đặt lọp lờ bắt cá tạp, cua, ốc dùng làm mồi cho cá lóc ăn. “Mùa lũ này, tôi dự tính thả khoảng 5.000 con cá lóc giống. Chứ năm ngoái, gia đình tôi đầu tư thả nuôi đến 10.000 con cá lóc giống. Lũ nhỏ, nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm nên phải giảm lại số lượng nuôi giống cá lóc. Năm ngoái, lũ lớn vèo cá lóc của tôi sổng đi gần phân nửa, nhưng giá cá thịt cao nên kiếm ăn được”, ông Đại nói. Cũng theo ông Đại, do lũ nhỏ nhiều người dân ở đây không mặn mòi với việc nuôi thủy sản trong mùa lũ.

Theo Chi cục Thủy sản An Giang, toàn tỉnh có khoảng  1.728 hộ ương nuôi thủy sản các loại trên diện tích 634 héc-ta, với khoảng 667 triệu con giống (diện tích ương nuôi cá tra là 587 héc-ta, với khoảng 480 triệu con).

Báo An Giang