An Giang: Ứng dụng sản xuất 3 loài thủy sản nước ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP và thích ứng với biến đổi khí hậu
Tỉnh An Giang vừa thông qua 3 đề tài nghiên cứu sản xuất cải thiện con giống và nuôi thương phẩm đối với 3 loài thủy sản nước ngọt là con tôm càng xanh, lươn đồng và cá lóc theo tiêu chuẩn VietGAP, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhằm khắc phục những hạn chế về chất lượng thịt, con giống thấp, hao hụt rủi ro rất cao trong quá trình thả nuôi đối với con tôm càng xanh, lươn và cá lóc hiện nay; Từ đó khôi phục mở rộng diện tích thả nuôi bị thu hẹp từ nhiều năm gần đây, tăng sản lượng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu cho thị trường nội địa tiêu dùng hàng ngày và hướng tới xuất khẩu.
Các đề tài tập trung “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng biến đổi khí hậu” do Trường Đại học Cần Thơ (thực hiện tại xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn); “Nghiên cứu xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lươn đồng tỉnh An Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP” do Trung tâm Giống thủy sản An Giang (triển khai tại thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện An Phú) và “Nghiên cứu nâng cao chuỗi giá trị cá lóc thương phẩm tỉnh An Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP” do Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Thủy sản Thanh Loan thực hiện.
Từ các đề tài sẽ hình thành vùng sản xuất con giống, con nuôi thương phẩm đạt chứng nhận VietGAP và thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng qui trình sản xuất và bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; Phát triển vùng sản xuất và điểm chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với đơn vị thu mua.
Mục đích, kết quả của các đề tài nghiên cứu đối với Tôm càng xanh đạt năng suất trên 1,5 tấn/ha, trọng lượng bình quân đạt 20 con/kg, khi thu hoạch, tỷ lệ hao hụt dưới 30%; Chứng nhận VietGAP cho vùng sản xuất lươn giống 3.000m2 và lươn thương phẩm 5.000 m2; Chứng nhận VietGAP cho 2 ha ương nuôi cá lóc giống cùng với 300 m2, diện tích nuôi cá lóc thương phẩm trên bể lót bạt, 10 ha nuôi trong ao, tăng 20% giá trị cho người sản xuất. Mỗi đề tài nghiên cứu còn đào tạo 20 cán bộ kỹ thuật và 100 nông dân nuôi thương phẩm cá, lươn, tôm càng xanh về kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản sản phẩm, 1 sinh viên đại học hoặc sau đại học cho An Giang.
Con tôm càng xanh, lươn đồng và cá lóc là 3 loài thủy sản nuôi phổ biến tại tỉnh An Giang, đồng thời nằm trong mục tiêu Phát triển vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bởi trong nhiều năm gần đây nguồn lợi thủy sản này đã dần cạn kiệt do bị khai thác triệt để, kể cả bằng ngư cụ hiện đại, ngư cụ cấm, với cường độ cao, kể cả thu hoạch tôm, cá nhỏ. Đồng thời lũ thấp nhiều năm làm giảm sản lượng ngoài tự nhiên. Bên cạnh đó chất lượng con giống, thủy sản thương phẩm thả nuôi thấp.... kéo theo giảm diện tích thả nuôi, dẫn đến thiếu sản lượng cho nhu cầu thị trường, nhất là cho xuất khẩu.
Từ đó còn ảnh hưởng giá bán các loài thủy sản nước ngọt đang thả nuôi tại các chợ trong tỉnh An Giang hiện nay rất thấp so với thủy sản đánh bắt ngoài thiên nhiên như, cá lóc (có tên khoa học là Channa maculata) hiện có giá 60.000 đồng/kg (so với cá lóc đánh bắt tự nhiên 160.000 đồng/kg); lươn (Monopterus albus) 120.000 đồng/kg (lươn thiên nhiên 200.000 đồng/kg); tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) loại I là 350.000 đồng/kg (tôm thiên nhiên 600.000 đồng/kg)./.