TIN THỦY SẢN

Ăn so biển chết ngay tại bàn nhậu

So biển Ngô Châu Anh

Chỉ cần đưa 334 μg/kg Tetrodotoxin vào cơ thể chuột là có thể chết ngay tức thì. Loại độc tố này thường có trong loài so biển ở nước ta.

Chết ngay bên mâm rượu

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo, trong thời gian gần đây, tại một số địa phương vùng biển của Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp ngộ độc do “cố tình” sử dụng thịt so biển để làm thức ăn dù biết rằng so biển chứa độc tố gây ngộ độc rất nghiêm trọng.

Trước đó vào tháng 2 năm nay, 5 người (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã bắt sam về nướng để nhậu. Chỉ mới uống được vài ly, cả năm người cùng cảm thấy tê hàm, tê chân tay, buồn nôn. Một trong số này bị nặng nhất đã chết ngay tại chỗ. Bốn người nhập viện cấp cứu trong tình trạng cứng hàm, tê bì chân tay, mặt đỏ ối, nôn ói liên tục.

Theo BS Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Cần Thơ) thì đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc được người nhà khai báo do ăn sam biển, Từ trước đến nay không nghe ngộ độc sam, bệnh viện chỉ thi thoảng tiếp nhận những ca ngộ độc cá nóc.

TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho biết, so và sam nhìn bên ngoài rất giống nhau, khó phân biệt. Cả hai loại này là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ sam (Xiphosuridae) có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda).

Theo đó, sam biển thường sống ở các vùng ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Nơi sam biển trưởng thành sinh đẻ cũng như là nơi sống của sam non có bãi biển sạch và không ô nhiễm. Đuôi sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác.

Sam biển sống thành từng cặp. Mỗi cặp sam làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời. Mỗi cặp sam đẻ nhiều trứng. Sau khi đẻ trứng, sam cái bò đi nơi khác. Trứng được phát triển thành ấu trùng, sam con và thành sam trưởng thành. Sam biển được khai thác, buôn bán tại và sử dụng làm thực phẩm như một loại hải sản.

Với sam nhỏ (dân gian gọi là so biển) cũng sống vùng ven biển. So biển có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Trong so biển có độc tố tetrodotoxin. Đây chính là nguyên nhân gây ngộ độc, thậm chí tử vong nếu chẳng may người dân ăn phải.

“Độc tố của so biển là Tetrodotoxin (tương tự như độc tố ở cá nóc) tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ vì thế cho dù người dân có nấu chín, phơi khô hoặc sấy thì độc chất vẫn tồn tại.

Chất độc có thể bị phân huỷ trong môi trường kiềm hay acid mạnh. Tetrodotoxin cho vào dung dịch HCl (axit Clohydric) 0,2 đến 0,3% sau 8 giờ mới bị phân huỷ; hoặc đun sôi (100 độ C) thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính. Loại độc tố này chỉ được phá hủy hoàn khi đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút" - TS Hùng nhấn mạnh.

Chưa có thuốc giải độc

Các chuyên gia cảnh báo Tetrodotoxin  (C11 H17 O8 N3) là chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao, chất này cũng được phân lập từ một số loại vi khuẩn như Epiphytic bacterium, Vibrio species, Pseudomonas species (Yasumoto 1987), ở da và nội tạng con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh, cóc, cá nóc, so…Độc tố tetrodotoxins, là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp (LD50 theo đường miệng đối với chuột nhắt là 334 μg/kg).

TS Lâm Quốc Hùng cũng cho biết thêm, ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam biển nhưng nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển đã được ghi nhận. Nguyên nhân các trường hợp mắc đa số là do cố tình ăn và một số trường hợp do nhầm so biển là sam biển dùng so biển để chế biến món ăn.

Người ăn phải so biển thường có những triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 60 phút với triệu chứng chung: cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ...

“Hiện nay chưa có thuốc giải độc vì thế khi người bệnh còn tỉnh táo cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở y tế. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất  kỳ hình thức nào, dù chi là một lần. Ngư dân loại bỏ so biển khi đánh bắt hải sản và tuyệt đối không kinh doanh so biển” – TS Hùng nhấn mạnh.

Ngô Châu Anh Infonet, 15/05/2015