Ào ạt nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt: Nguy cơ tiềm ẩn
Giá tôm tăng cao, thời gian nuôi ngắn và nhanh thu hồi vốn nên người dân tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đang ào ạt mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt. Do vùng nuôi không nằm trong quy hoạch nên đang tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và ô nhiễm môi trường.
Tôm tăng giá - mở rộng diện tích nuôi
Chưa khi nào, tôm thẻ chân trắng được giá như hiện nay. 3 tháng qua, giá tôm thẻ tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh liên tục tăng, từ 80.000 đồng/kg (100 con) nhanh chóng tăng lên 140.000 đồng/kg. Ngay bên đường Cổ Mã - Đầm Môn có 1 khu đất rộng cả ngàn mét vuông, được các thương lái san lấp, đổ bê tông để làm chợ thu mua tôm, nơi đây lúc nào cũng có từ 50 - 60 phụ nữ nhặt và phân loại tôm. Bà Nguyễn Thị Anh, thương lái thu mua tôm cho biết, do giá tôm tăng cao nên năm nay người nuôi tôm trúng lớn, nhiều người trúng đến 1 tỷ đồng/hồ.
Tôm được giá, những hộ vừa thu hoạch xong nhanh chóng thả giống hồ cũ và khẩn trương đào đắp xây dựng hồ mới. Trên đường Cổ Mã - Đầm Môn, không chỉ có những chiếc xe đông lạnh thu mua tôm mà còn có những chiếc xe ben chở cát chạy như con thoi để làm hồ tôm. Phía dưới các đìa tôm không khí giống như công trường, với nhiều máy xúc, xe gạt, ống dẫn nước, trụ điện đang được các hộ dân khẩn trương thi công. Ông Phạm Xuân Lãm, một người nuôi tôm cho biết, tôm thẻ chân trắng ở đây được nuôi theo kiểu “cao triều”, mực nước trong hồ luôn cao hơn đỉnh triều. Vì thế, thay vì nuôi hồ thấp như trước kia, người ta phải đổ cát để đáy hồ cao hơn đỉnh triều, sau đó lót bạt, bơm nước vào nuôi. Người nuôi còn phải khoan thêm giếng để lấy nước ngọt, quạt nước tạo ô xy. “Trước đây, nuôi tôm sú mất 5 tháng, hay dịch bệnh, thua lỗ triền miên. Bây giờ, nuôi tôm thẻ trên bạt chỉ mất 2-3 tháng, chi phí mỗi tấn tôm khoảng 60 triệu đồng nhưng bán được 140 triệu đồng nên bà con trong làng đang đổ xô làm đìa nuôi tôm”, ông Lãm nói.
Một hồ tôm ngoài vùng quy hoạch.
Trong một thời gian ngắn, số lượng hồ tôm trên bạt ở Vạn Thọ tăng nhanh. Diện tích đất cát ven biển, phía Tây đường Cổ Mã - Đầm Môn không còn, nhiều người đã xây dựng các hồ tôm quy mô lớn trên sườn đồi, phía Đông con đường này. Hồ nuôi tôm được xây dựng phía sau các khu dân cư, có độ cao ngang với mái nhà nhiều hộ dân, hệ thống ống để bơm nước vào, thải nước ra được lắp đặt đi theo các hệ thống cống thoát nước để dẫn ra vịnh Vân Phong. Ông Võ Đức Kỷ, chủ của một trong các hồ tôm này thừa nhận, các hồ nuôi tôm này không nằm trong quy hoạch. Do thấy trên đồi ít ảnh hưởng của bão gió, xả nước thuận lợi thì tự phát xây hồ. Mặt khác, do không nắm được quy hoạch, nên nhiều hộ dân đã đầu tư 8 hồ tôm tại khu vực này.
Cần phát triển bền vững
Theo tính toán của người nuôi, 1ha tôm “cao triều” đầu tư ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng, chi phí mỗi vụ nuôi cũng chừng 1,5 tỷ đồng. Tôm thẻ chân trắng đang được giá, lợi nhuận cao nên nhiều người nuôi chạy theo diện tích, tăng mật độ, dễ dàng bỏ qua các quy trình kỹ thuật, mua giống trôi nổi. Theo quy trình kỹ thuật, mật độ nuôi chỉ 60 - 80 con/m2, nuôi 2 vụ/năm là hợp lý. Thế nhưng, do tôm đang được giá, chưa xuất hiện dịch bệnh nên nhiều hộ đã tăng mật độ lên 150 con/m2, thậm chí có hộ lên đến 300 con/m2. Anh T., một chủ hồ cho biết, chúng tôi tăng mật độ thì lượng thức ăn cũng tăng tương ứng, mặt khác phải tăng thêm các guồng quay để cung cấp oxy. Tôm này nuôi nhanh nên không sợ lỗ.
Người dân đang đào hồ mới để nuôi tôm.
Ông Đào Văn Lương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh cho biết, diện tích quy hoạch nuôi tôm toàn huyện khoảng 850ha. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm sú nhưng hay bị dịch bệnh, thua lỗ nên họ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung nhiều nhất tại xã Vạn Thọ. Với giá cả như hiện nay, nếu có con giống tốt, thực hiện đúng quy định cũng như lịch thời vụ 2 vụ/năm thì hiệu quả. Nhiều người dân địa phương cũng lo ngại việc nuôi tôm trên bạt gây ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tại các vùng cát, nước thải của các hồ tôm sẽ gây ô nhiễm đến môi trường. “Như hiện nay, do nhiều hộ nuôi với mật độ quá dày, nếu không xử lý thì chắc chắn sẽ ô nhiễm môi trường, từ đó ảnh hưởng đến các hồ xung quanh. Bà con nôn nóng, tiếp nhận con giống không đủ điều kiện, khi xử lý các hồ cũng không đúng kỹ thuật thì nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến thua lỗ rất lớn, người nuôi sẽ bị thiệt thòi đầu tiên” - ông Lương nhận định.
Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh cho biết, đối với khu vực được quy hoạch, huyện luôn tạo điều kiện để người dân nuôi tôm, nhưng phải đảm bảo môi trường chung và không ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân khác. Việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt đang có hiệu quả cao, để tạo được tính bền vững thì cần phải có nhiều giải pháp. Trước mắt, các cơ quan chức năng, chuyên môn cần đánh giá việc tác động môi trường của mô hình này. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát thời vụ, kỹ thuật, quản lý con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi. Bà con nuôi tôm đang rất cần sự giúp đỡ về kỹ thuật của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành về thủy sản trong tỉnh.
Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh cho biết, những hồ tôm tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ rộng từ 1.500 - 3.000m, có khoan giếng để lấy nước ngầm, đầu tư với kinh phí rất lớn nhưng lại không nằm trong quy hoạch nuôi trồng. Để tạo điều kiện họ thu hồi vốn, huyện cho phép tồn tại đến 31-12-2013, sau đó chấm dứt.