TIN THỦY SẢN

Áp lực nặng lên con cá tra

Cá tra sau thu hoạch phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe của nhà nhập khẩu. Minh Phương

Con cá tra, cá ba sa của Việt Nam đang phải mang trên mình quá nhiều tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng xuất khẩu.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm với cộng đồng xã hội là cần thiết, nhưng quá tốn kém. Không có tiêu chuẩn chung cho ngành thủy sản nên mỗi doanh nghiệp hiện đang phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn. Ngược lại, giá cá tra liên tục giảm hoặc trồi sụt thất thường, gây không ít đau đầu cho các doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn nào?

Cuối tháng 11 vừa qua, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã trao chứng nhận ASC - một tiêu chuẩn mới đối với ngành thủy sản - cho 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Với chứng nhận này, các doanh nghiệp được xác nhận cá tra nuôi phải giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe nhân viên và cộng đồng dân cư xung quanh. Trong niềm vui chung đó, các quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cam kết, đến năm 2015 sẽ có trên 50% doanh nghiệp nuôi thủy sản đạt được tiêu chuẩn này.

Nhìn lại hai năm về trước, để con cá tra đạt tiêu chuẩn ASC là không đơn giản. Thời điểm đó, cá tra Việt Nam đang được ưa chuộng tại nhiều thị trường lớn như Mỹ và các nước châu Âu. WWF thực hiện một phóng sự không mấy thiện cảm về hình ảnh con cá tra Việt Nam và đưa vào "danh sách đỏ" khuyến nghị hạn chế tiêu dùng trong tài liệu hướng dẫn tiêu dùng thủy sản tại Đức, Bỉ, Na Uy, Thụy Sỹ, Áo và Đan Mạch. Điều này cũng đồng nghĩa, con cá tra Việt Nam có nguy cơ bị người tiêu dùng ở châu Âu tẩy chay.

Đã có những tranh cãi quyết liệt giữa phía Việt Nam và WWF vào lúc đó, nhưng cuối cùng mọi chuyện chỉ được dàn xếp ổn thỏa khi phía Việt Nam chấp nhận tiêu chuẩn ASC của WWF để con cá tra được rút ra khỏi "danh sách đỏ". Thắng lợi của WWF trong việc buộc các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải áp dụng tiêu chuẩn ASC nếu muốn rộng cửa vào thị trường châu Âu đã làm dấy lên lo ngại, bất cứ tổ chức nào cũng có thể áp đặt mọi loại tiêu chuẩn lên con cá tra. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tại Việt Nam hiện có rất nhiều hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng thủy sản do các tổ chức phi chính phủ lập nên, như: BAP, GlobalGAP, MSC, MetroGAP, ASC, IFORM, SQF…

Chưa kể, một số hệ thống bán lẻ và nhà nhập khẩu còn có tiêu chuẩn và quy định riêng, yêu cầu cơ sở nuôi trồng, doanh nghiệp xuất khẩu phải áp dụng và được cấp chứng nhận thì mới nhập hàng. Điều đáng nói là các bộ tiêu chuẩn này đều dựa trên cơ sở hướng dẫn nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) với bốn nội dung cơ bản phải tuân thủ là: an toàn thực phẩm, sức khỏe và an sinh động vật nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội. Mỗi bộ tiêu chuẩn lại lấy một phần trong bốn yếu tố đó để xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn riêng. Điều này dẫn đến nhiều quy trình trùng lặp, gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp. Nhưng nếu không thực hiện theo những tiêu chuẩn ấy thì đừng mong bước chân vào thị trường các nước phát triển.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương (TP.HCM) - một trong 6 doanh nghiệp vừa nhận được chứng nhận ASC, thừa nhận: việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm với cộng đồng xã hội là cần thiết, nhưng quá tốn kém. Chẳng hạn, chi phí để xây dựng quy trình đáp ứng tiêu chuẩn ASC trên dưới 100.000 USD, chưa kể hàng năm tốn khoảng 12.000 USD để được cấp lại giấy chứng nhận. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Minh cũng đang áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP - tấm giấy thông hành để đưa thủy sản vào thị trường châu Âu, hàng năm mất khoảng 6.000 USD để được cấp lại sau khi đã tốn một khoản tiền kha khá để xây dựng quy trình.

"Mỗi doanh nghiệp tùy thuộc vào từng thị trường xuất khẩu mà áp dụng các tiêu chuẩn cho phù hợp, như châu Âu đòi hỏi GlobalGAP, ASC; Mỹ đòi GAA, trong khi tiêu thụ ở thị trường nội địa phải áp dụng VietGAP. Không có tiêu chuẩn chung cho ngành thủy sản nên mỗi doanh nghiệp hiện đang áp dụng 5-6 tiêu chuẩn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đang gây rối cho các doanh nghiệp và tạo áp lực phải gánh các chi phí rất lớn để đầu tư cho những tiêu chuẩn này", ông Minh cho biết.

Vẫn còn bấp bênh

Với tầng tầng, lớp lớp tiêu chuẩn chất lượng đang "giăng" lên ngành cá tra, đáng lẽ với công sức và tiền của bỏ ra, doanh nghiệp phải bán được sản phẩm có giá cao hơn, nhưng ngược lại giá cá tra vừa qua liên tục giảm hoặc trồi sụt thất thường. Nguyên nhân là do sự thiếu liên kết nên không ít doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, sẵn sàng bán phá giá. Hệ lụy rất rõ, vì chỉ làm lợi cho nhà nhập khẩu và còn bị áp dụng luật chống bán phá giá. Chưa kể để hạ giá thành, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng giảm chất lượng, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng và càng khiến các nước châu Âu và Mỹ áp đặt ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật.

Sự phát triển thiếu bền vững của ngành cá tra còn nằm ở tình trạng phát triển quá nóng. Cụ thể, chỉ có khoảng 50 nhà máy chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lại có đến khoảng 400 công ty tham gia xuất khẩu. Chỉ những công ty có nhà máy chế biến, có vùng nuôi cá mới chú ý và lo lắng về chất lượng sản phẩm khi bán ra, trái ngược với các công ty thương mại hầu như chỉ chú ý đến lợi nhuận. Điều này dẫn đến tình trạng tranh giành nguyên liệu, đẩy giá mua cá lên vô tội vạ và góp phần vào việc mạnh ai người ấy chào giá xuất khẩu, tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu ép giá.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, một thế khó khác của ngành cá tra là doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu vốn. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp thủy sản đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng khẩn cấp, với mức vay thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất lên đến 500 tỷ đồng để khôi phục kinh doanh, xuất khẩu. Nếu có vốn, doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, đầu tư thêm vào sản xuất nguyêu liệu. Tuy nhiên nguồn vốn ngân hàng vẫn bị thắt chặt, chưa kể hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng (chi phí thức ăn, con giống, phí bảo vệ môi trường…).

Bên cạnh đó, đã có dấu hiệu cho thấy, do khả năng tài chính có hạn, một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán tháo sản phẩm với giá thấp hơn để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng, trong đó không loại trừ có cả sản phẩm kém chất lượng. Mặc dù giá trị xuất khẩu quý III tăng 2,4% so với quý II, đạt hơn 438 triệu USD, nhưng nếu so sánh với cùng kỳ năm 2011 lại giảm trên 10%, nên mục tiêu xuất khẩu trên 1,8 tỷ USD sản phẩm cá tra năm nay có thể không đạt được.

Chỉ có khoảng 50 nhà máy chế biến cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại có đến khoảng 400 công ty tham gia xuất khẩu

Minh Phương Diễn đàn Doanh nghiệp