ASC bảo vệ cá tra sau khi các nhà bán lẻ châu Âu từ chối bán sản phẩm này
Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản ASC tỏ ý không tán thành khi các nhà bán lẻ châu Âu đã quyết định ngừng bán cá tra và ASC lên tiếng bảo vệ các tiêu chuẩn môi trường của họ.
Một số chuỗi siêu thị ở châu Âu, bao gồm Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, và Pháp đã cấm bán cá tra hồi đầu tháng này, mặc dù EU khẳng định không có vấn đề sức khỏe khi ăn cá tra.
Nhà bán lẻ châu Âu Carrefour cho rằng chất lượng của cá là “hoàn hảo”, nhưng hiện vẫn tồn tại những nghi ngờ về các tiêu chuẩn môi trường của các trang trại nuôi cá tra.
ASC cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư tuần trước là cơ quan này lấy làm tiếc khi một vài nhà bán lẻ đã quyết định ngừng bán cá tra. Cơ quan này cho biết khi nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC, người mua và người tiêu dùng có thể tin tưởng khi ăn loại cá này.
Tổ chức này cho biết: “Tất cả chứng nhận thủy sản ASC tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực của nuôi trồng thủy sản”.
“Trang trại cá tra được chứng nhận tiêu chuẩn ASC chỉ có thể được đặt tại các khu vực đã được phê duyệt cho nuôi trồng thủy sản, và được yêu cầu đo đều đặn các thông số nước khác nhau bao gồm nitơ, phốt pho, và nồng độ oxy để đảm bảo các thông số này vẫn nằm trong giới hạn thiết lập cho điều kiện phát triển tối ưu. Các trình tự nghiêm ngặt cũng phải được thực hiện kèm theo đó để đảm bảo rằng nước thải không gây ô nhiễm hệ sinh thái. Các trang trại cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu để giảm thiểu dịch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh, trừ khi thật sự cần thiết và chỉ có thể sử dụng thuốc kháng sinh dưới sự giám sát của bác sĩ thú y”.
ASC cho biết: “Với tất cả các tiêu chuẩn của ASC, không có loại kháng sinh nào trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới về kháng sinh gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người được sử dụng tại một trang trại”.
“Do cá tra có thể được nuôi một cách hiệu quả, với việc sử dụng đất không nhiều và hạn chế sử dụng thức ăn, và có thể được sản xuất theo cách thân thiện môi trường và cộng đồng, chúng tôi cảm thấy sản phẩm này có thể cạnh tranh trên thị trường cá thịt trắng”.
ASC cũng lưu ý rằng chứng chỉ đòi hỏi việc bảo vệ các quyền của người lao động bằng cách khẳng định rằng tất cả các trang trại trong chương trình cung cấp hợp đồng lao động phù hợp với các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế.
ASC cho biết: “Tiêu chuẩn ASC được thường xuyên nhắc đến như là chứng nhận có hiệu lực nhất trên thị trường. Chúng tôi nỗ lực duy trì điều này thông qua sự đánh giá nhất quán để đảm bảo rằng tiêu chuẩn này phản ánh các thực hành tốt nhất trong nuôi trồng thủy sản”.