TIN THỦY SẢN

“Ẩu”, “cả tin”: Dễ dính chuyện phá giá, trợ cấp

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một công ty xuất khẩu thủy sản ở Tiền Giang. Ảnh: Q.HUY QUANG HUY

Khách nước ngoài đòi tham quan nhà máy sản xuất, xin thông tin để hợp tác… Đó có thể là nguy cơ bắt đầu một vụ kiện chống bán phá giá.

Hơn 170 doanh nghiệp (DN) tham dự hội thảo đã “ngẩn người” trước những nguyên cớ dẫn đến các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các diễn giả đưa ra tại hội thảo “Đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và tự vệ trước hàng nhập khẩu gây thiệt hại”. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM) và Công ty Luật Mayer Brown tổ chức tại TP.HCM, ngày 21-3.

Nhẹ dạ, sính chữ

Luật sư Matthew McConkey, Phụ trách bộ phận thương mại toàn cầu Công ty Luật Mayer Brown tại khu vực châu Á - đơn vị nhiều năm đại diện cho các DN xuất khẩu Việt Nam trong cả hai vụ kiện cá tra và tôm, kể: Có DN xuất khẩu cá tra, DN thép Việt Nam nhận một cuộc gọi từ nước ngoài, khách cho biết muốn sang gặp DN để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Mừng vì sắp có khách hàng mới và với bản tính cởi mở, DN ta bèn mời vị khách đó xuống tận nhà máy sản xuất khảo sát thực tế, cung cấp những thông tin số liệu, giá thành… Vị khách ra về, hứa hẹn sẽ hợp tác, ký hợp đồng… Vài tháng sau, những thông tin của DN xuất hiện trên đơn khởi kiện chống bán phá giá. “DN Việt cần biết rằng ngành công nghiệp nội địa Mỹ thường cử người sang để tìm bằng chứng cho việc nộp đơn phá giá. Vì vậy, “chớ nhẹ dạ, cả tin, nếu khách hàng nào tham quan nhà máy, xin thông tin thì cần yêu cầu họ ký thỏa thuận về thông tin bảo mật” - luật sư Matthew McConkey lưu ý.

Luật sư Matthew McConkey chia sẻ: “Ý kiến thiết thực duy nhất mà tôi từng nghe là cần bỏ hết mọi tài khoản có tên “trợ cấp” hoặc từ ngữ đồng nghĩa với nó trong sổ sách và hồ sơ kế toán của DN. Hình như Việt Nam thích dùng những từ ngữ này trong chính sách kinh tế, nếu không cẩn trọng thì có khi DN chưa được hưởng lợi nhưng Mỹ lại có cớ kiện chống trợ cấp”.

Thua kiện lãng xẹt!

Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, chỉ ra nguyên nhân DN nước ta thua kiện chống bán phá giá, trợ cấp là do DN che giấu thông tin, tài liệu kế toán, lưu trữ số liệu không cụ thể rõ ràng. Ví dụ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ điều tra qua câu hỏi gửi các DN - bắt buộc trả lời. Chẳng hạn, họ hỏi DN có liên kết với công ty nào để xuất khẩu không, DN trả lời “không” vì nghĩ khó giải thích và không quan trọng. DOC sẽ điều tra ra và đánh trượt vì thiếu trung thực.

Một việc lý do thua kiện khác của DN mà luật sư Matthew McConkey đưa ra là… cách tính tiền điện! DN có thói quen dùng một công-tơ đồng hồ điện tổng cho cả DN gồm sản xuất, điện nước sinh hoạt, văn phòng, căn tin, hoạt động xây dựng,… Sổ sách kế toán cũng chỉ lưu con số tổng điện tiêu thụ này. Trong khi đó, DOC chỉ cần số liệu điện năng tiêu thụ của quá trình sản xuất. Vậy nên con số tiêu thụ điện gộp chung vô tình khiến cho theo cách tính của DOC, sản phẩm xuất khẩu phải có giá cao ngất ngưởng. DOC có cớ nói: Đáng ra giá thành sản xuất của Việt Nam cao nhưng lại bán giá thấp để phá giá!

Phải trung thực, rõ ràng

Ông Nguyễn Duy Khiên hướng dẫn: DN phải biết cách chuẩn bị đối phó với chống kiện. Trước hết, DN cần kiểm tra các tài liệu kế toán, số liệu lưu trữ rõ ràng chính xác. Những thông tin về giá bán, số lượng bán, ngày tháng xuất bán, chi phí tàu biển, điều chỉnh giá là phần phải có số liệu rõ ràng nhất. Thông tin về các chi phí trong sản xuất, chi phí khác phải tách bạch. Đồng thời, cần điều tra các đối tác làm ăn thông qua thông tin do họ cung cấp và tìm hiểu ở các tổ chức trung gian.

Theo luật sư Matthew McConkey, DN Việt Nam phải đoàn kết thành một khối để “tác chiến” chống kiện chứ không nên tự thuê luật sư riêng lẻ, thấy DN khác chịu mức thuế cao hơn thì mừng. Khi bị kiện, DN phải đấu tranh đến cùng, nếu e dè thì sẽ tạo cơ hội cho ngành sản xuất nội địa Mỹ tiếp tục đà khởi kiện. DN phải trả lời trung thực khi DOC đặt câu hỏi, phải trung thực cung cấp đầy đủ thông tin cho luật sư. “Đối với vụ kiện thuế chống trợ cấp của Mỹ, chỉ có cách để tránh và giảm thiểu các yêu cầu áp đặt thuế chống trợ cấp. Chẳng hạn, Chính phủ cần áp dụng chung chung việc “hỗ trợ” cho tất cả ngành, không được cụ thể một tên ngành nào. Các khoản trợ cấp phải được chi hết, không để sang năm sau. Mọi báo cáo của Chính phủ về việc hỗ trợ ngành công nghiệp cần có nội dung chung chung. Ngoài ra, cần cân nhắc, giám sát các thông tin chính sách đưa lên Internet” - luật sư Matthew McConkey tư vấn.

QUANG HUY Pháp luật TP.HCM