TIN THỦY SẢN

Bà Rịa-Vũng Tàu: Chế tạo thành công lò sấy thủy sản bằng hơi nước

Anh không phải kỹ sư cơ khí hay nhà nghiên cứu khoa học mà là một cán bộ quản lý nhưng đã có khá nhiều sáng kiến, sáng chế của anh được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gần đây nhất với sáng kiến lò sấy cá bằng hơi nước của anh cùng với các cộng sự đã đạt giải khuyến khích tại hội thi sáng tạo KHKT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2011- anh là Ngô Sâm, Giám đốc Xí nghiệp chế biến Thủy sản Xuất nhập IV thuộc Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Năm 2002, anh nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Xí nghiệp chế biến XNK thuỷ sản IV thuộc Công ty Baseafood. Khi về xí nghiệp công tác, anh đã đặt ra mục tiêu và cùng với anh em trong đơn vị quyết tâm xây dựng uy tín, thương hiệu và quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP (nguyên tắc sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm-phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) tại đơn vị. Tại đây, anh bắt đầu nghiên cứu nguyên tắc hoạt động của hệ thống sấy. Anh Sâm cho biết, điều mà anh quan tâm nhất là làm sao có được chi phí đầu tư thấp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Sau 1 năm anh cùng với các cộng sự mày mò, nghiên cứu, vào giữa năm 2011, lò sấy cá bằng hơi nước đã ra đời và được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp thuộc Công ty Baseafood.

Ưu điểm của công nghệ này là phòng sấy hoàn toàn kín và cách ly với lò đốt, sản phẩm không tiếp xúc trực tiếp với chất đốt do đó không bị nhiễm bẩn. Đặc biệt công nghệ sấy này còn cho phép thu hồi năng lượng thừa hoặc có khả năng điều chỉnh nhiệt phù hợp từng sản phẩm theo thời gian sấy thông qua bộ phận cung cấp nhiệt buồng sấy, do đó công nghệ sấy đạt được 2 mục tiêu đó là vừa đảm bảo chất lượng, vừa giảm chi phí.

Sấy cá bằng lò sấy hơi nước dựa trên nguyên lý hoàn toàn mới so với phương pháp sấy bằng bếp than hoặc gas. Lợi ích dễ thao tác, thời gian đốt lò sấy nhanh hơn và nhàn hơn so với sấy bằng bếp than hoặc gas, có thể sử dụng nhiều chất đốt khác nhau như than đá, vỏ điều, cao su, hay củi… không phải mất nhiều thời gian thay từng viên than, chất lượng sản phẩm sạch hơn không bị dính khói bụi và các khí độc SO2 và CO2. Đây là kết quả kiểm nghiệm thực tế về chất lượng sản phẩm do Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản và Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm Tp. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính về chất lượng như Nga, Đài Loan, và các nước EU.

Theo báo cáo của Công ty Baseafood, từ khi áp dụng công nghệ sấy bằng hơi nước, công ty đã tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho chi phí năng lượng để sấy thủy sản, bởi chi phí năng lượng để sấy 1 tấn sản phẩm thủy sản khô bằng gas phải mất gần 5 triệu đồng, bằng than phải hơn 1,5 triệu đồng, trong khí đó với công nghệ này chỉ bỏ ra chưa đến 300.000 đồng. Chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ này cũng chỉ khoảng 50 triệu đồng. Không chỉ vậy, việc sử dụng lò sấy bằng hơi nước còn ít hao tốn sức lao động của công nhân, trong khi thu nhập được tăng lên do năng suất lao động tăng.
Ngoài sáng kiến trên, anh Sâm còn là chủ nhân của hàng loạt sáng kiến khác như sáng kiến dùng máy quay ly tâm tận dụng thịt cá sau filê, máy cắt cá thay cho dùng kéo trực tiếp.... Hiện nay, anh đang ấp ủ một đề tài mới đó là dùng ánh nắng mặt trời, quạt thổi hơi nóng để sấy khô sản phẩm từ mô hình phơi nhiều tầng, đề tài này anh đã thử nghiệm liên tiếp và thành công.

Với sáng kiến này, anh hy vọng sẽ tiết kiệm được chi phí trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Với thành tích đạt được cùng với gần 25 năm đóng góp cho ngành thuỷ sản, anh đã nhận nhiều giấy khen của đơn vị, bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đạt nhiều giải thưởng tại các Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh, gần đây nhất là năm 2010, anh vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng III và anh đang được đề nghị tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp quốc gia.

Theo Khuyến Nông Việt Nam