TIN THỦY SẢN

Bạc Liêu: Báo động nuôi tôm thẻ chân trắng "vượt rào"

Ảnh minh họa (nguồn: kinhtenongthon.com.vn)

Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bạc Liêu cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, tỉnh chỉ phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh ở một số huyện, thành phố thuộc vùng phía Nam Quốc lộ (QL) 1A và chủ yếu khu vực ngoài đê biển, diện tích nuôi chưa đến 100 ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các huyện thuộc vùng Bắc QL1A đã có nhiều hộ dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh cải tiến, nuôi ghép với tôm sú, kể cả nuôi thâm canh.

Việc làm này chưa được cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương cho phép. Sở đã chỉ đạo các địa phương có nuôi thẻ chân trắng thống kê lại diện tích đang thả nuôi cụ thể và có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng nuôi không được khuyến khích này.

Bên cạnh những bệnh thường gặp của tôm sú như đốm trắng, đầu vàng… nhược điểm lớn nhất của tôm thẻ chân trắng là dễ mắc hội chứng Taura. Trong khi đó, hội chứng này có thể lây nhiễm sang các loại tôm bản địa, làm mất an ninh sinh thái, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản và môi trường tự nhiên.

Trước tình hình trên, để thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất theo kế hoạch năm 2013 của ngành, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân chỉ đạo Phòng NN&PTNT kết hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn và cán bộ nuôi trồng thủy sản cơ sở tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những cá nhân, tổ chức nuôi tôm trên địa bàn về các quy định quản lý của Nhà nước trong việc nuôi đối tượng này. Qua đó, giúp họ nâng cao ý thức và lựa chọn mô hình, đối tượng nuôi phù hợp. Trước mắt, không được tuyên truyền, phổ biến các hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng trên toàn bộ diện tích nuôi thủy sản vùng Bắc QL1A; đồng thời chỉ đạo Phòng NN&PTNT, UBND các xã, thị trấn tổ chức cho các chủ cơ sở, người nuôi tôm thẻ chân trắng cam kết không để tôm thẻ chân trắng thoát ra môi trường xung quanh. Trường hợp xuất hiện tôm bệnh, tôm chết phải được thu gom, xử lý theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương; chấp hành sự giám sát và kiểm tra của các cơ quan quản lý, cơ quan thú y, chính quyền địa phương về phòng trừ dịch bệnh.

Sở dĩ có tình trạng "vượt rào" thả nuôi tôm thẻ chân trắng là do người nuôi tôm sú truyền thống bị thua lỗ nặng vì tôm chết liên tục trên diện rộng mà không tìm rõ được nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Vì vậy, khi 'nghe' tôm thẻ chân trắng dễ nuôi năng suất cao, thời gian nuôi ngắn, chỉ 3 tháng là thu hoạch... nên người nuôi liều tìm giống để thả nuôi trong điều kiện '3 không' (không vốn, không hiểu kỹ thuật, không có giống tốt). Không vốn, vì tôm thẻ chân trăng đòi hỏi suất đầu tư cao về con giống, do thả nuôi với mật độ rất dày, 60-80 con/m2. Không kỹ thuật vì người nuôi hoàn toàn không hiểu kỹ thuật về con tôm thẻ chân trắng, trong khi vật nuôi này lột xác rất nhanh, chu kỳ thu hoạch chỉ có 3 tháng, nếu sơ suất để tôm thiếu oxy sẽ chết hàng loạt. Không có giống tốt, vì hiện nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa có cơ sở nào cung cấp con giống thẻ chân trắng được kiểm nghiệm dịch bệnh./.

TTXVN