TIN THỦY SẢN

Bạc Liêu: Biến thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội để phát triển Ngành Thủy sản

Nuôi tôm công nghệ cao - hướng phát triển của ngành tôm Bạc Liêu (ảnh: Thanh Thiện) Nguyễn Xuân Khoa - Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra những thiệt hại khôn lường cho sản xuất và đời sống của nhân dân cả nước, đặc biệt vùng Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị tổn hại nhiều nhất, trong đó có tỉnh Bạc Liêu.

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH. Trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI, mỗi năm Việt Nam thiệt hai hoảng 1% – 1,5% GDP do BĐKH. Theo dự báo của các nhà khoa học, mực nước biển dâng thêm 5cm mỗi năm và nếu nước biển dâng 1m sẽ làm giảm 7% sản lương nông nghiệp và 10% GDP và dâng lên từ 3 – 5m thì điều này đồng nghĩa với “thảm họa sẽ xảy ra” ở Việt Nam.

Cùng với BĐKH, việc các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng nhiều đập thủy điện đã làm giảm 60% lưu lượng nước về sông Tiền Giang và Hậu Giang. Vì vậy việc sản xuất lúa vụ 2, vụ 3 ở các tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đứng trước thực trang trên, Bạc Liêu đã và đang điều chỉnh lại qui hoạch các tiểu vùng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch ngành, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.

Ngày 20 tháng 9 năm 2016, tại buổi làm việc giữa cán bộ chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, Bạc Liêu cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, tăng cường liên kết chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngành nuôi trồng thủy sản cần phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh, là vùng nuôi tôm thâm canh gắn với chế biến tôm lớn nhất của cả nước. Đồng thời tỉnh cần nghiên cứu nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng đồng ý về mặt chủ trương với kiến nghị của tỉnh và giao cho các Bộ, Ngành của Trung ương giúp Bạc Liêu sớm xây dựng qui hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”

Chủ trương trên sẽ tạo điều kiện cho Bạc Liêu biến thách thức BĐKH trở thành cơ hội để phát triển ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Là một cán bộ của ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh bạc Liêu, giữ trọng trách là Giám đốc TT Khuyến nông tỉnh, tôi cũng như các đồng nghiệp và bà con nông, ngư dân của tỉnh rất vui mừng trước chủ trương trên. Để xây dựng dự án “Trung tâm  nông nghiệp công nghệ cao về tôm” và khu sản xuất theo hướng công nghệ cao về tôm, tôi mạnh dạn đề xuất Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cần phối hợp với Ban, ngành của Trung ương và địa phương có liên quan thực hiện một số vấn đề sau:

1. Tổ chức hội thảo khoa học bàn một số giải pháp về phát triển ngành tôm của Bạc Liêu theo hướng công nghệ cao để tranh thủ các ý kiến tham vấn của những nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghịêp, cũng như các lão nông nuôi tôm giỏi;

2. Để quản lý và vận hành Trung tâm công nghệ cao về tôm của tỉnh trong tương lai ngay từ bây giờ cần cử một số cán bộ quản lý chủ chốt có tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm thực tiễn đi học tập tại Trung tâm Công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh;

3. Về nguồn vốn để thực hiện chủ trương trên rất lớn, vì vậy ngoài vốn ngân sách của tỉnh và Chính phủ hỗ trợ; cần xã hội hóa. Muốn vậy cần phải làm tốt công tác xúc tiến thương mại, có những chính sách cởi mở để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước;

4. Về khía cạnh kỹ thuật, tôi xin đề xuất một số ý kiến sau:

            - Về vị trí và qui mô: Trung tâm công nghệ cao về tôm nên có diện tích khoảng 50 – 70 ha. Khu nông nghiệp công nghệ cao về tôm rộng khoảng 200ha. Vị trí nên bố trí giáp sát đê Trường Sơn của Thành Phố  Bạc Liêu để tạo thuận lợi cho việc lấy nước biển nuôi tôm. Nguồn nước tốt sẽ là một trong những yếu tố quyết định cơ bản đến thành công của việc nuôi tôm. Vùng sản xuất tôm (tôm thẻ, tôm sú) theo hướng công nghệ cao tương lai sẽ mở rộng khoảng 10.000 ha, chiếm gần 10% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

            - Hệ thống cung cấp nước cho khu nuôi tôm công nghệ cao cũng rất quan trọng. Có thể xây dựng 2 – 3 ao lắng diện tích lớn, vừa để lắng đọng phù sa, vì đây là vùng biển bồi,  vừa xử lý nước bằng vi sinh để đảm bảo nguồn nước đưa vào ao nuôi tôm có chỉ số lý, hóa tốt. Các ao lắng này còn có thể coi là hồ sinh thái, dự trữ nước mặn để cung cấp cho các ao tôm vào những thời kỳ nắng nóng kéo dài;

            - Bên cạnh ao lắng, hệ thống cung cấp nước từ ao lắng vào các ao tôm cũng rất quan trọng. Phải có hê thống cấp nước vào ao tôm riêng và hệ thống thoát nước từ ao tôm ra môi trường riêng. Hệ thống cấp nước bố trí trạm bơm điện và hệ thống ống  bằng composit đường kính lớn 20 – 30cm. Hệ thống thoát nước sử dụng các kênh đất như hiện nay, nhưng phải xên vét hàng năm tránh bồi lắng. Kinh phí đầu tư thủy lợi sau này sẽ thu lại bằng thủy lợi phí đối với các chủ ao tôm, tùy theo mức tiêu dùng nước.

            - Về xây dựng hệ thống ao,  một phần diện tích ao nuôi nuôi hở như truyền thống, một phần làm nhà kính thiết kế như của công ty Việt -  Úc hiện nay và nuôi theo kỹ thuật  1 hoặc 2 giai đoạn. Hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh.

Để chủ trương trên thành công cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ sản xuất con giống chất lượng cao đến kỹ thụât nuôi theo công nghệ cao, liên kết chuỗi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm sạch. Cần có thời gian và nhiều ý kiến tham vấn, có các nhà tư vấn giỏi và sự đồng lòng của nhiều cấp, nhiều ngành và thực hiện theo lộ trình để ngành tôm của Bạc Liêu phát triển bền vững.

Nguyễn Xuân Khoa - Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu Khuyến Nông Việt Nam, 24/10/2016