Bạc Liêu: Đảm bảo người dân có lãi khi vay phát triển chuỗi giá trị tôm
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, đảm bảo người nông dân có lãi, thông qua hợp đồng thỏa thuận theo chuỗi giá trị tôm bền vững.
Tong gần 2 năm vừa qua, trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – Công bằng tại Việt Nam (SusV)” đã nỗ lực không ngừng về việc “Thúc đẩy tín dụng cho chuỗi tôm”.
Đến nay, đã có kết quả ban đầu đầy triển vọng cho ngành tôm, một khởi sắc mới cho các doanh nghiệp và người nuôi tôm.
Cụ thể, nhằm triển khai thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị tôm bền vững – Công bằng tại Việt Nam” ở 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã có thông báo kết luận chỉ đạo về việc triển khai cho vay theo chuỗi giá trị tôm tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bạc Liêu, chính quyền cơ sở, các doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện 3 dự án điểm phù hợp với từng mô hình sản xuất cụ thể; giúp doanh nghiệp hình thành và mở rộng quy mô vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị tôm bền vững tại Bạc Liêu gồm, các công ty chế biến xuất khẩu liên kết với vùng nguyên liệu nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, vùng nuôi tôm – lúa của các huyện trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bạc Liêu, sở Tư pháp, viện Chiến lược ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng bộ quy tắc cho liên kết chuỗi tôm giá trị bền vững để từng xã viên tổ hợp tác/hợp tác xã thảo luận, đảm bảo tính dân chủ, tính pháp lý chặt chẽ.
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tuyên truyền, vận động người nuôi tôm tham gia cùng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết theo hướng sản xuất cộng đồng dưới hình thức tổ hợp tác/hợp tác xã và doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, đảm bảo người nông dân có lãi, thông qua hợp đồng thỏa thuận theo chuỗi giá trị tôm bền vững.