TIN THỦY SẢN

Bạc Liêu: Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững: Nan giải bài toán giá trị

theo báo bạc liêu 27/03/2012

Tổng kết hoạt động xuất khẩu trong nhiều năm qua, ngành quản lý, doanh nghiệp chỉ mới tập trung quan tâm ở khâu thị trường và xem đây là yếu tố mang tính quyết định. Tuy nhiên, với thực trạng trong chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) hiện nay, nếu phân tích kỹ thì chính giá trị mới là yếu tố mang tính quyết định và chi phối toàn bộ hoạt động sản xuất, hiệu quả kinh doanh

Ảnh minh họa: chế biến tôm xuất khẩu

Giá trị lao động thấp

Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp xuất khẩu do UBND tỉnh tổ chức, điều khiến nhiều sở, ngành phải bất ngờ khi ông Fukuda Satoru, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thủy sản NIGICO (huyện Giá Rai) xin UBND tỉnh cho nhập lao động từ nước ngoài vào Bạc Liêu. Ý kiến này làm cho nhiều người bị “sốc”, bởi trong khi nguồn lao động trẻ của tỉnh rất dồi dào và nạn thất nghiệp, nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh luôn là vấn đề bức thiết. Bên cạnh đó, việc nhập lao động từ nước ngoài vào vừa tốn tiền máy bay, vừa lo chỗ ăn, nghỉ, lại phải trả lương cao hơn công nhân Việt Nam?! Đối với ngành quản lý, ý kiến này thật lạ, nhưng đối với các doanh nghiệp CBTSXK thì không lạ chút nào, vì nó là vấn đề nóng ở các doanh nghiệp lâu nay.

Hiện nay, Bạc Liêu có hơn 40 nhà máy CBTSXK và nhu cầu của mỗi nhà máy khoảng 500 - 1.000 lao độngoomNếu lấy con số trung bình 500 lao động/nhà máy, thì cũng cần đến 20.000 lao động. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành quản lý, số công nhân của ngành CBTSXK đang lao động ở các nhà máy hiện nay chỉ hơn 8.000 - 10.000 lao động. Vậy, còn hơn 10.000 lao động ở đâu? Thật ra, số lao động ấy không phát triển thêm, mà chủ yếu là quá trình chuyển dịch lao động giữa các nhà máy dưới hình thức “nhảy nai”. Nghĩa là công nhân đang lột tôm ở nhà máy này, nghe nhà máy khác có giá cao hơn vài chục ngàn đồng/ngày là chạy sang nhà máy khác; hoặc chỉ làm theo mùa vụ (vào lúc có nhiều tôm).

Những nguyên nhân trên đã làm các công ty CBTSXK luôn bị động về nguồn lao động, luôn phải thay đổi giá thuê công nhân. Còn đời sống của người lao động thì gặp khó khăn do việc làm không ổn định, giá trị lao động mang lại không cao vì chỉ làm những việc đơn giản (như bóc đầu tôm, lột vỏ tôm, xếp hộp…). Một số doanh nghiệp thì viện cớ lao động không gắn bó với mình để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công nhân như: không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội khác. Đồng thời cũng không dám ký kết những hợp đồng cung ứng hàng hóa lớn, vì sợ không có người làm?!

Chưa “mặn mà” với hàng giá trị gia tăng

Để phát triển nghề nuôi tôm, CBTSXK phải đóng vai trò đầu tàu. Song, với thực trạng hiện nay, nghề nuôi tôm khó có thể tiếp tục phát triển và giúp nông dân, doanh nghiệp làm giàu! Bởi CBTSXK của tỉnh lâu nay gần như đi ngược với quy luật.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, muốn phát triển, làm giàu từ CBTSXK thì phải tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng (GTGT) cao. Đơn cử, các mặt hàng GTGT như: tôm tẩm bột, tôm xuyên que, tôm Nobasy, hoặc các loại thức ăn nhanh khác mang lại lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với tôm đông lạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu của tỉnh lại không phát huy giá trị này. Hầu hết chỉ tập trung khai thác, chế biến nguồn tôm nguyên liệu thô với hơn 90% sản lượng xuất khẩu chủ yếu là tôm đông lạnh. Do giá trị mang lại không cao, nên doanh nghiệp cũng không thể tăng giá thu mua tôm nguyên liệu cho nông dân.

Về nguyên nhân các doanh nghiệp CBTSXK của tỉnh không “mặn mà” với việc sản xuất các mặt hàng GTGT, ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH CBTSXK (phường 5, TP. Bạc Liêu), cho rằng: “Với tình trạng chuyển dịch lao động không ổn định ở các nhà máy như hiện nay, rất khó đào tạo công nhân trở thành những lao động lành nghề để chế biến các mặt hàng GTGT. Chỉ cần lao động bỏ việc làm, hay pha chế không đúng kỹ thuật, hoặc không tuân thủ các quy trình sản xuất thì toàn bộ lô hàng có giá trị bạc triệu USD sẽ phải bỏ đi. Nếu có khắc phục, cũng phải tốn một khoản chi phí không nhỏ”. Do sản xuất mặt hàng GTGT gặp rủi ro cao, nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn con đường an toàn là xuất khẩu tôm đông lạnh. Mặt khác, lợi nhuận từ hàng GTGT tuy cao hơn 3 - 4 lần, nhưng đổi lại phải mất nhiều thời gian và phải đầu tư công nghệ sản xuất mới...

Việc các doanh nghiệp xuất khẩu không chế biến các mặt hàng GTGT, ngoài việc tạo áp lực nặng nề lên nguồn nguyên liệu, còn tác động tiêu cực đến đội ngũ lao động. Nếu như các doanh nghiệp hạn chế xuất thô, mà tập trung sản xuất mặt hàng GTGT thì lương của công nhân chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần và việc làm cũng ổn định hơn. Phần lớn các nhà máy hiện nay bị lệ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu, nên khi có tôm công nhân mới làm, còn không thì tạm nghỉ. Điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều công nhân. Từ đó, khó tránh khỏi việc công nhân phải lao động theo kiểu “nhảy nai”.

Lỗi của ai?

Tồn tại những bất cập trên, ngoài việc thiếu liên kết, chưa đồng thuận trong sản xuất giữa doanh nghiệp và người lao động, còn có một phần trách nhiệm của ngành quản lý. Nhìn nhận vấn đề này để thấy rằng, CBTSXK của Bạc Liêu lâu nay đã mắc phải một sai lầm là phát triển theo chiều ngang, kiểu “tham lượng, bỏ chất”. Bởi, thay vì tăng cường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu, thì lại tập trung phát triển nhà máy đã tạo nên sự lãng phí giá trị về nguồn tài nguyên đất, nguồn nguyên liệu, công nghệ đầu tư, nguồn lao động và tạo áp lực cho môi trường.

Nếu năm 2008, Bạc Liêu có 12 nhà máy CBTSXK, thì đến nay đã vượt lên con số hơn 40 nhà máy. Nhà máy tăng, nhưng giá trị lại tỷ lệ nghịch! Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt hơn 127 triệu USD, nếu chia bình quân cho 12 nhà máy thì mỗi nhà máy đem về hơn 10 triệu USD. Còn năm 2011, xuất khẩu được mùa, được giá, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 243 triệu USD. Nếu chia bình quân thì mỗi nhà máy chỉ đem về khoảng 6 triệu USD. Qua đó cho thấy, số lượng nhà máy thì tăng hơn 3 lần so với năm 2008, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm. Sự mất cân đối này đã được cảnh báo từ năm 2009.

Từ năm 2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo không cho phát triển thêm nhà máy CBTSXK và “khóa sổ” ở con số 25 nhà máy. Song, không hiểu vì sao, đến năm 2011 số nhà máy lại tăng thêm hơn 15 nhà máy? Và kéo theo đó là sự lãng phí về giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống dây chuyền, công nghệ sản xuất mới. Vốn vay ngân hàng để đầu tư cho công nghệ thì phải trả lãi là 100%, nhưng giá trị đầu tư chỉ phát huy được từ 30 - 40% công suất/nhà máy.

Theo các ngân hàng thương mại, với lợi nhuận mang lại không nhiều, áp lực vốn vay với lãi suất tăng cao, nếu không giải quyết được căn cơ bài toán giá trị, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thủy sản lâm vào cảnh nợ nần và khó tránh khỏi nguy cơ đóng cửa.

Tăng trưởng ngành nghề nhưng phải gắn với tăng trưởng về giá trị thật sự là vấn đề nan giải. Song, cần phải tập trung giải quyết, vì nó liên quan đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm và xuất khẩu thủy sản. Do vậy, điều mà nông dân, các doanh nghiệp CBTSXK cần lúc này là tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng trong nuôi trồng và CBTSXK.

theo báo bạc liêu 27/03/2012