Bạc Liêu: Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp sử dụng vi sinh
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (QCCT-KH) là mô hình phát triển ở cả 2 vùng Nam và Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Tổng diện tích nuôi theo mô hình này là 107.239 ha. Đây là mô hình ổn định, bền vững do ít dịch bệnh so với nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.
Trong những năm gần đây, mặc dù điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp nhưng hoạt động nuôi tôm theo hình thức QCCT-KH sử dụng vi sinh trên 200 ha của 120 hộ ở ấp Cái Giá, xã Định Thành, huyện Đông Hải cũng khá thuận lợi, ổn định, phần lớn các hộ nuôi điều có lợi nhuận khá.
Vụ mùa năm 2012-2013, mô hình triển khai tại ấp Cây Giá, xã Định Thành trên diện tích 77,2 ha/38 hộ, năng suất thu hoạch bình quân là 414 kg/ha/năm (tôm, cua), lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có hộ lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha/năm. Thống kê, so sánh với các hộ nuôi tôm QCCT-KH theo kinh nghiệm trong dân thì năng suất thu nhập thấp hơn, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ. Vì vậy, lợi nhuận mô hình QCCT-KH sử dụng vi sinh đạt cao hơn các hộ nuôi tôm QCCT-KH lợi nhuận bình quân của toàn xã.
Vụ mùa năm 2013-2014, mô hình cũng được triển khai với quy mô là 260 ha/137 hộ ở 05 ấp, trong đó, xã Định Thành có 200 ha/116 hộ ở 04 ấp. Năng suất bình quân 275 kg/ha/6 tháng, tăng 30-50 kg so 06 tháng vụ mùa 2012-2013, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có hộ lợi nhuận trên 65 triệu đồng/ha/6 tháng, như hộ ông Dương Văn Đoàn, ông Dương Văn Út, ông Nguyễn Văn Khải, ông Bùi Văn Ngon,…
Theo Ông Dương Minh Đoàn - Tổ trưởng Tổ hợp tác đánh giá thì lợi nhuận bình quân của các tổ viên 6 tháng đầu năm 2014: Có 26 hộ lợi nhuận bình quân từ 50-65 triệu/ha/6 tháng, chiếm 23,5% số hộ; 65 hộ lợi nhuận bình quân từ 32-45 triệu/ha/6 tháng, chiếm 55,7% số hộ; 25 hộ lợi nhuận bình quân từ 20-30 triệu/ha/6 tháng; chiếm 20,8% số hộ. Nhìn chung, năng suất thu hoạch tôm, cua trong 06 tháng vụ mùa năm 2013-2014 đạt mức khá cao, số hộ đạt lợi nhuận từ 30 - 65 triệu đồng/ha/6 tháng chiếm > 80%. Năng suất thu hoạch của bà con tương đối ổn định qua hàng tháng, tôm, cua thu hoạch đều qua từng con nước, không có hiện tượng tôm chạy đồng loạt. Theo số liệu thống kê, so sánh thì năng suất thu hoạch tôm 6 tháng đầu năm cao hơn năng suất thu hoạch trung bình của toàn xã từ 30 - 50 kg/ha/6 tháng.
Ông Hồ Thanh Tuấn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hải nhận định: Mô hình QCCT-KH sử dụng vi sinh đã thay đổi hình thức sản xuất của người dân do có tác động của khoa học - kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, việc cải tạo phơi đất, sên vét bùn đồng loạt để phát huy hiệu quả của việc cải tạo, xử lý môi trường, gây tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cua, cá phát triển như sử dụng vôi, phân,…; Nuôi theo hình thức ít thay nước chỉ châm bù khi nước trong vuông bị hao hụt. Đặc biệt là sử dụng chế phẩm vi sinh trong suốt quá trình nuôi nhằm cải tạo nền đáy, cải tạo môi trường vuông nuôi được tốt hơn, bên cạnh, sử dụng chế phẩm vi sinh để lấn át mầm bệnh có trong vuông kết hợp với chọn con giống qua xét nghiệm trước khi thả nuôi,…
Để mô hình nuôi tôm QCCT –KH sử dụng vi sinh phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, ông Dương Minh Đoàn - Tổ trưởng Tổ hợp tác kiến nghị đến các cơ quan chức năng cần tổ chức các khóa tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản, xây dựng điểm trình diễn mô hình nuôi cho người dân để nâng cao ý thức sử dụng tôm giống chất lượng cao, kích cỡ lớn đối với các hộ nuôi tôm QCCT-KH sử dụng vi sinh, vận động người dân xây dựng mô hình nuôi tôm mang tính cộng đồng, có trách nhiệm; đồng thời, nhà nước cần có kế hoạch nạo vét lại hệ thống kênh, rạch đảm bảo nguồn nước luôn lưu thông tốt, đủ nước để phục vụ cho sản xuất và nuôi thủy sản.