Bạc Liêu: Hướng đến thành lập hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao
Sau khi đi thăm các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (NTƯDCNC), Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chỉ đạo Sở NN&PTNT và UBND TP. Bạc Liêu thành lập các hợp tác xã (HTX) nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Qua đó thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết các hộ nuôi tôm, tạo sản lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ngoài Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), trên địa bàn thành phố, một số tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cao đạt hiệu quả. Từ đó, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã và đang lan tỏa, nhân rộng trong người dân, nhất là các hộ nuôi tôm công nghiệp.
TP. Bạc Liêu có khoảng 80 hộ nuôi tôm theo các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Điển hình là gia đình anh Trần Đình Của (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) với diện tích 1,5ha (gồm 4 ao nuôi), tổng chi phí đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Trước tết Kỷ Hợi 2019, anh Của thu hoạch 2 ao tôm, lãi gần 600 triệu đồng; còn 2 ao tôm dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Nếu thu hoạch thêm 2 ao tôm này, anh Của sẽ thu hồi toàn bộ vốn đầu tư.
Chính quyền địa phương rất quan tâm đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhất là các hộ nuôi tôm công nghệ cao nên đã đầu tư lưới điện, làm đường, xây dựng hệ thống thủy lợi khá tốt. Anh Của cho biết: “Hiện nay, một số hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông muốn chuyển sang mô hình này hoặc mở rộng diện tích nuôi, song chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương, ngành chức năng giúp đỡ họ vay vốn ngân hàng”.
Về vấn đề này, ông Lưu Hoàng Ly, Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, cho biết: “UBND thành phố đã chỉ đạo xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp Thành phối hợp với Liên minh HTX tỉnh thành lập 2 HTX nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở 2 địa phương, chậm nhất là đến hết quý 1/2019 sẽ hoàn thành. Sau khi thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao, xã viên sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng, được hỗ trợ kỹ thuật, và quan trắc bảo vệ môi trường nguồn nước nuôi tôm…”.
Sau khi thành lập, các HTX nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ tập hợp các hộ nuôi tôm để liên kết và thực hiện chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm tôm. Đồng thời thuận tiện cho ngành chức năng trong việc tập huấn và chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho người nuôi tôm.
Toàn tỉnh hiện có 10 công ty, đơn vị áp dụng công nghệ nuôi tôm của Israel, công nghệ cho ăn tự động của Úc, công nghệ sinh học... với tổng diện tích hơn 810ha. Có 287 hộ dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm 2 giai đoạn) với tổng diện tích 814ha.