Bạc Liêu không kiểm soát được nuôi tôm thẻ chân trắng
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu hiện đã tăng lên hơn 9.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân. Tôm thẻ chân trắng được nuôi dưới hình thức bán thâm canh ngay trên đồng đất lâu nay dành cho mô hình tôm (sú) - lúa của vùng phía Bắc. Việc làm này của nông dân đã phá vỡ hoàn toàn qui hoạch của cơ quan quản lý, gây nguy cơ phát tán dịch bệnh trên diện rộng, phá vỡ sinh thái vùng mặn-ngọt phía Bắc của Bạc Liêu.
Tôm thẻ chân trắng là vật nuôi không được khuyến khích vì nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao do con giống hiện nay đều trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên do con tôm sú, vật nuôi chính lâu nay liên tục bị bệnh chết trên diện rộng không rõ nguyên nhân và chưa có giải pháp khắc phục nên người nuôi phải chọn tôm thẻ chân trắng. Lúc đầu còn ít người nuôi và thẻ chân trắng trúng mùa và hiện cũng có giá khá cao, 180 ngàn đồng/kg nên nhiều hộ đã tự phát nuôi thẻ chân trắng, bất chấp các khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Theo Chi Cục nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, trước tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát trên diện rộng đang là nguy cơ thật sự đối với nghề nuôi tôm của Bạc Liêu, nhưng hiện nay cơ quan này hoàn toàn không kiểm soát được việc thả nuôi, chỉ biết ra công văn nhắc nhở các địa phương có diện tích nuôi thẻ chân trắng cố gắng kiểm soát việc thả nuôi của người dân và báo cáo kịp thời dịch bệnh nếu có xảy ra.
Theo nhiều hộ nuôi tôm ở vùng phía Nam của Bạc Liêu, hiện nay vẫn nuôi con tôm sú là chủ yếu và tôm sú cũng đang phát triển trở lại, diện tích bị chết đã ít đi và tôm sú có giá cao gấp 1,5 lần tôm thẻ chân trắng. Cụ thể, loại 30 con/kg có giá đến 260 ngàn đồng/kg trong khi chi phí đầu tư cho con giống cũng thấp hơn thẻ chân trắng và nguồn giống còn ổn định và rõ ràng hơn, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến sinh thái và môi trường vùng nuôi.