Bạc Liêu: Kiểm soát chất lượng tôm giống, tránh thiệt hại
Trong khi dịch bệnh trên tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đang diễn biến phức tạp, chưa tìm ra chính xác nguyên nhân, thì người nuôi tôm Bạc Liêu lại ồ ạt chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, trong khi đó cơ sở hạ tầng, con giống, kỹ thuật chưa đáp ứng nên đã có nhiều diện tích xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng.
Để đáp ứng nhu cầu nuôi, các cơ sở sản xuất - kinh doanh tôm giống trên địa bàn đã cho nhập hàng nghìn cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ Mỹ với giá gần 3 triệu đồng/cặp. Số tôm bố mẹ nhập khẩu được phía đối tác cam kết miễn dịch 10 loại bệnh nguy hiểm nhưng thời gian qua tôm thẻ chân trắng vẫn bị chết hàng loạt.
Tại hội nghị quản lý chất lượng tôm giống do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Bạc Liêu mới đây, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, khẳng định: do quy định thiếu chặt chẽ nên việc tiêu hủy tôm giống và tôm bố mẹ bị bệnh trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Điều này gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm cũng như những công ty tôm giống làm ăn chân chính.
Cũng theo ông Giang, bên cạnh tôm giống, chưa có một quy định nào cho phép kiểm dịch tôm bố mẹ tại các trại sản xuất giống. Trong khi tôm bố mẹ (cả tôm sú và thẻ chân trắng) - nguồn lây bệnh chính cho tôm giống - được nhập từ nhiều nguồn khác nhau (có cả trong nước và nhập khẩu).
Tổng cục Thủy sản cũng đánh giá: tôm thẻ chân trắng bố mẹ hiện nay nhập khẩu 100% từ nhiều nơi trên thế giới, không biết nguồn gốc từ dòng tôm nào, chất lượng có lô tốt, lô xấu.
Trước hiện tượng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng vọt, “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (thành phố Bạc Liêu) khuyến cáo, đối với những địa phương chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nông dân không thông thạo kỹ thuật, ít vốn… thì tuyệt đối không nên nuôi tôm thẻ chân trắng vì chi phí đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng cao gấp nhiều lần so với tôm sú, kỹ thuật khắt khe, cơ sở hạ tầng khép kín… Theo ông Ngoãn, đã có nhiều người “dở khóc, dở cười” vì nuôi tôm thẻ chân trắng theo “phong trào”.
Bạc Liêu có gần 400 cơ sở sản xuất và ương tôm giống, hàng năm cung cấp ra thị trưởng khoảng 5 tỷ con giống, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu hộ nuôi tôm trên địa bàn. Tuy nhiên, số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%; 80% còn lại xếp vào dạng công nghệ “bèo”, tạo ra tôm giống đủ kiểu chất lượng.
Thậm chí, có cơ sở gọi là công ty tôm giống nhưng không hề sản xuất giống, mà vẫn có tôm giống để bán do thu mua tôm giống khắp nơi, sau đó đóng thùng (với nhiều thương hiệu khác nhau) để bán cho người nuôi tôm. Trong khi đó, chỉ có hộ nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp mới xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, còn đa phần hộ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến chỉ “xét nghiệm” tôm bằng cách quan sát. Nhưng những hộ nuôi tôm xét nghiệm bằng “mắt” chiếm hơn 90% diện tích tôm nuôi của tỉnh này.
Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 125.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp hơn 10.000 ha. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, nguồn giống kém chất lượng, xảy ra dịch bệnh làm hơn 16.000 ha tôm nuôi chết, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Điều đáng lo lắng hiện nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó giá tôm sú xuống thấp, thiếu thông tin về thị trường, không am hiểu về kỹ thuật mà gần đây nhiều người chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo dự báo, vụ nuôi tôm năm 2013, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh khoảng 1.000 ha, tăng khoảng 400 ha so với năm 2012. Với diện tích này, Bạc Liêu cần khoảng 2,4 tỷ con post (tôm con) tôm thẻ chân trắng.
Để đáp ứng lượng con giống trên sẽ có lượng lớn con giống bố mẹ nhập từ nước ngoài, trong khi khâu kiểm dịch còn khá lỏng lẻo, nguồn bệnh chưa được kiểm soát, đang là mối lo ngại cho người nuôi tôm tỉnh này khi mùa nuôi tôm chuẩn bị vào chính vụ.