Bạc Liêu: Nắng nóng, tôm nuôi bị thiệt hại trên diện rộng
Thời tiết diễn biến thất thường làm cho tôm nuôi ở nhiều địa phương như TP. Bạc Liêu, các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi liên tục gặp rủi ro. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì người nuôi tôm đứng trước nguy cơ thua lỗ từ đầu vụ.
Tôm chết hàng loạt
Chưa bao giờ người nuôi tôm trong tỉnh lại lo lắng như hiện nay. Những ngày qua, tôm nuôi vụ 1 của nông dân ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi, TP. Bạc Liêu... liên tục gặp rủi ro. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, tôm nuôi bị thiệt hại là do thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, không có mưa. Từ đó làm độ mặn của nước ở kênh rạch và trong vuông tôm lên rất cao: 35 - 42‰, đồng thời độ pH cũng tăng lên từ 8,2 - 9, dẫn đến tôm chết.
Sự chênh lệch nhiệt độ môi trường nước trong vuông tôm giữa ngày và đêm khá cao làm rong, cỏ và thảm thực vật trong ao nuôi phát triển mạnh, vuông tôm bị thiếu Oxy cục bộ về đêm. Nhiều người nuôi tôm cho biết nắng nóng là nguyên nhân chính dẫn đến tôm chết.
Ông Dương Văn Tốt (ấp Ninh Chài, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) nói: “Tôi nuôi 2 ao tôm với diện tích 1ha. Giờ đã có 1 ao tôm bị thiệt hại do nắng nóng và độ mặn trong vuông tăng rất cao”. Vào thời điểm này, mực nước nhiều tuyến kênh nội đồng ở các huyện Phước Long, Hồng Dân xuống rất thấp và kéo dài trong nhiều ngày.
Trong khi người nuôi tôm đang gặp khó khăn thì cũng là lúc các mặt hàng thuốc thủy sản trên thị trường tăng giá. Theo ông Lý Mến (ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi): “Khi xảy ra dịch bệnh trên tôm hay vùng nuôi bị biến động là thuốc thủy sản lại lên giá. Giá thuốc tăng, nhưng người nuôi tôm cũng phải mua để trị bệnh cho tôm. So với cách đây 2 tuần thì các mặt hàng thuốc thủy sản tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/sản phẩm”.
Hỗ trợ người nuôi tôm
Trước việc tôm nuôi chết hàng loạt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân. Ông Lâm Thanh Phong, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Đơn vị đã có nhiều biện pháp hỗ trợ bà con như: cử cán bộ kỹ thuật bám sát vùng nuôi, hướng dẫn bà con xử lý thiệt hại; thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để phổ biến, hướng dẫn người nuôi tôm, thông báo lịch điều tiết nước để bà con nắm... Mặc dù Phòng NN&PTNT huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tôm nuôi, nhưng nhìn chung, nếu so với cùng kỳ năm trước thì người nuôi tôm của huyện gặp nhiều bất lợi hơn”.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với quy mô lớn ở các địa phương có tôm nuôi thiệt hại để tìm giải pháp khắc phục, ổn định vùng nuôi trong thời gian tới. Các nhà khoa học đã đưa ra những khuyến cáo với người nuôi tôm. Đó là bà con nên nắm bắt kịp thời những thông tin khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đối với những ao nuôi đã xảy ra dịch bệnh, cần phải triệt để cải tạo ao rồi mới thả nuôi. Trước khi điều tiết nước từ 3 - 4 ngày, bà con phải xả nước phơi ao, vét bùn mương. Khi trong vuông tôm có rong thì phải làm ổn định độ pH rồi dọn rong để tránh tôm bị ngộ độc. Nên làm ao vèo khi tiếp tục thả tôm. Trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo mực nước, tránh làm biến động các yếu tố môi trường và phải có ao lắng với diện tích 10 - 30% của diện tích ao nuôi...