TIN THỦY SẢN

Bạc Liêu: Những mô hình sản xuất bền vững dưới tán rừng

Nhiều hộ dân nhận đất khoán rừng đã áp dụng mô hình tôm - cua - rừng đạt hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: M.Đ

Trước tình hình diễn biến khí hậu thất thường, triều cường dâng, ngành chức năng đã tìm ra những mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, bền vững và khuyến cáo nông dân áp dụng. Đó là mô hình tôm - lúa và tôm - cua - rừng.

Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm - cua - cá dưới tán cây rừng, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn và vươn lên khá giàu. Những hộ nông dân áp dụng mô hình này thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Trường (ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình). Khi nhận 3ha rừng phòng hộ, anh Trường đã áp dụng mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng. Mỗi năm, anh thả nuôi tôm, cua hai đợt. Sau khi cải tạo và cho nước vào, anh Trường thả nuôi 100.000 con tôm sú giống và 50.000 con cua biển giống. Cứ 2 tháng anh Trường thả tôm, cua giống gối đầu. Mỗi lần thả sau lại giảm số tôm, cua giống xuống (còn 50.000 con tôm và 30.000 con cua giống). Sau 3 tháng nuôi, anh bắt đầu thu tỉa tôm, cua lớn để bán. Tôm nuôi thả lan dưới tán rừng thu hoạch kéo dài và liên tục. Bên cạnh đó, hàng ngày, anh Trường đặt lú bắt tôm, cua bán (bình quân 200.000 đồng/ngày). Như vậy, mỗi năm, trừ tất cả chi phí đầu tư, anh Trường còn lãi trên 100 triệu đồng.

Nhờ bảo vệ tốt rừng phòng hộ nên tôm, cua sống dưới tán rừng ít bị dịch bệnh; đồng thời rừng đước ngày một phát triển. Anh Trường cho biết: “Mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân vùng ven biển thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (ấp Phước Ninh, xã Phước Long, huyện Phước Long) là 1 trong 4 người đầu tiên trong ấp đưa cây lúa trồng trong vuông tôm. Hàng năm, ông Hiệp thu hoạch 2 vụ tôm nuôi, lãi trên 200 triệu đồng; còn vụ lúa ông cũng lãi gần 100 triệu đồng. Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho rằng: “Ở huyện Phước Long, nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên khá giàu nhờ áp dụng các mô hình kết hợp (như mô hình lúa - tôm, lúa - tôm càng xanh…). Các mô hình này mang tính ổn định, bền vững nên ngày càng có nhiều nông dân thực hiện”. 

Ở xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi), từ khi Nhà nước có chủ trương chuyện đổi sản xuất, khuyến cáo nông dân áp dụng mô hình lúa - tôm thì đời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Hiền (ấp Hoàng Quân 2, xã Hưng Thành) là người đi đầu trong việc áp dụng mô hình này. Với 1,8ha đất chuyển đổi sang sản xuất lúa - tôm, nhiều năm liền ông Hiền liên tiếp trúng mùa, thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Mô hình tôm - cua - rừng hay mô hình tôm - lúa là hai trong những mô hình tiêu biểu được Bộ NN&PTNT khuyến cáo nông dân áp dụng. Bởi, những mô hình này đã tạo nên bước đột phá mới để người dân thay đổi tư duy, có phương thức sản xuất phù hợp trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Báo Bạc Liêu