Bạc Liêu nuôi tôm và xuất khẩu lớn nhất nước
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đứng đầu cả nước về sản lượng tôm nuôi và kim ngạch xuất khẩu tôm nhờ phát triển nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.
Về diện tích nuôi tôm, Bạc Liêu đứng thứ hai cả nước với 143.000 ha, sau tỉnh Cà Mau đứng đầu với 278.365 ha. Tuy nhiên, năm 2023, sản lượng tôm của Bạc Liêu lớn nhất nước với 247.143 tấn, trong lúc Cà Mau chỉ 233.000 tấn.
Đạt sản lượng lớn nhờ Bạc Liêu phát triển mạnh nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cả về qui mô và công nghệ nuôi. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 25 tổ chức và 832 cá nhân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích thả nuôi 6.624 ha, tăng 43,8% so với năm 2022 và gấp 2,9 lần năm 2020.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tỉnh xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 60% sản phẩm nông nghiệp và gần 28% kinh tế của tỉnh, trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm trên 97% diện tích nuôi trồng thủy sản. Năm 2023, sản lượng tôm nuôi chiếm 21,8% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 973 triệu USD, tăng 17% so với năm 2022, chiếm hơn 28% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.
Bạc Liêu có nhiều phương thức nuôi tôm hiệu quả như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng. Tuy nhiên, đang đi đầu cả nước là nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, được xác định là điểm nhấn và có vai trò dẫn dắt đối với sự phát triển ngành tôm của tỉnh.
Tỉnh đã và đang triển khai xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Hiện đã hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng giữa năm 2024.
Ở đây, trong năm 2023, đi vào hoạt động Nhà máy Chế biến Thủy sản Việt Úc; đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ tự động, thực hiện quy trình khép kín từ sản xuất con giống, nuôi và chế biến xuất khẩu. Có 20 cơ sở sản xuất giống và 7 cơ sở nuôi tôm thương phẩm đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, Khu nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới đang hoàn thành các điều kiện, thủ tục để sớm được chứng nhận, nhằm xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và các thị trường khác; Khu nuôi an toàn sinh học thực hiện cả công tác thu mẫu giám sát 2 vùng đệm tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình và xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.
Nổi bật ở Bạc Liêu là đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nuôi tôm đầu tư công nghệ cao. Hiện có 6 doanh nghiệp (tăng 1 so với năm 2022) được Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh, có 22 doanh nghiệp, hợp tác xã và 316 hộ dân được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (BAP, GlobalGAP, ASC,...) với diện tích 2.553 ha (tăng 4 đơn vị so với năm 2022). Hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm đã có 63 hợp tác xã, 79 tổ hợp tác và 153 trang trại tham gia.
Bạc Liêu còn là tỉnh đứng đầu ĐBSCL sản xuất tôm giống chất lượng cao, năm 2023 đã chiếm hơn 50% toàn vùng ĐBSCL và khoảng 22% cả nước. Toàn tỉnh có 360 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng; trong đó có 220 cơ sở sản xuất, tăng 5 cơ sở so với năm 2022 (tôm sú 185 cơ sở, tôm thẻ chân trắng 35 cơ sở), công suất thiết kế trên 40 tỷ post/năm; đã sản xuất 32-34 tỷ post. Bạc Liêu có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tôm giống chất lượng cao đạt trên 80% cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh, toàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Trung Đông…với công suất thiết kế 209.700 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm tôm, phát triển ngành nuôi tôm của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 48 cơ sở thu mua nguyên liệu, 68 cơ sở sơ chế nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu và phục vụ tiêu thụ nội địa.
Kế hoạch phát triển ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu năm 2024, diện tích nuôi 142.269 ha, sản lượng 278.500 tấn; diện tích không tăng nhưng sản lượng tăng 12,7%. Trong đó, diện tích nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh 29.400 ha (tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 6.630 ha; nuôi tôm thẻ 13.440 ha; tôm sú 9.330 ha), tôm – lúa 46.851 ha (diện tích nuôi tôm càng xanh - lúa 27.250 ha) và quảng canh cải tiến kết hợp 66.018 ha.