Bạc Liêu: Tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả
Những năm qua, các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong tỉnh phát triển đa dạng về đối tượng nuôi, trồng cũng như quy mô sản xuất. Trong đó, mô hình tôm - lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (QCCTKH), đưa màu xuống ruộng… là những mô hình kinh tế hiệu quả được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng.
Dựa theo điều kiện tự nhiên cũng như tập quán sản xuất của người dân, Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố xây dựng, phổ biến nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên cây lúa, hoa màu và nuôi trồng, khai thác thủy hải sản.
Tại TP. Bạc Liêu, mô hình trồng rau theo hướng an toàn sinh học ở các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông đã giúp nhiều hộ tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đầu năm 2015, Hội Nông dân thành phố đã xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng trồng rau sạch để cung ứng cho các siêu thị trên địa bàn, tìm được đầu ra ổn định cho bà con. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn thành phố.
Trước ảnh hưởng của môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên tôm nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để bà con chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng những mô hình mới để giảm bớt rủi ro, thiệt hại. Từ đó, nhiều người nuôi tôm trong tỉnh đã chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm công nghiệp sang nuôi tôm bán công nghiệp, QCCTKH, nuôi ghép cùng lúc nhiều loại thủy, hải sản… Do chi phí đầu tư thấp, dễ áp dụng, nên mô hình tôm - lúa ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 30ha áp dụng mô hình này.
Bên cạnh hai đối tượng nuôi chính của mô hình tôm - lúa là tôm sú và tôm càng xanh, nhiều hộ còn nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế để tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích. Với hình thức thu tỉa thả bù, mỗi vụ tôm thả từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 1 - 1,5 tháng, mật độ trung bình từ 3 - 5 con/m2, sau 3 tháng thả nuôi, tôm sú có thể thu hoạch với năng suất đạt gần 500kg/ha, năng suất lúa đạt 4 tấn/ha. Hộ dân áp dụng mô hình này trung bình thu lãi trên 40 triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch tôm - lúa.
Nuôi tôm QCCTKH ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh là một trong những mô hình cho thu nhập ổn định với lợi nhuận trung bình 35 triệu đồng/ha/năm. Mô hình này được triển khai thí điểm đầu tiên tại ấp Cây Giá (xã Định Thành, huyện Đông Hải) vào cuối năm 2012, với diện tích 77,2ha/38 hộ. Qua gần 4 năm thực hiện, đến nay, diện tích áp dụng mô hình này ở huyện Đông Hải đã tăng lên 512ha, và đang tiếp tục được triển khai nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Khải (ấp Cây Giá) chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm QCCTKH với nuôi thêm sò huyết, cua, đời sống gia đình tôi ổn định hơn trước. Tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt thấp, do sử dụng vi sinh nên tôm bán cũng được giá hơn trước”.
Ở những vùng trồng lúa cho năng suất không cao, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương vận động bà con áp dụng mô hình đưa rẫy xuống ruộng. Mô hình này được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Nguyễn Phương Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết: “Để giúp người dân chủ động trong việc áp dụng những mô hình mới vào sản xuất, những năm qua, Trung tâm thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực cho người dân. Đồng thời thông qua Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư ở các huyện để định hướng, giúp bà con lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp để áp dụng vào sản xuất”.