TIN THỦY SẢN

Bạc Liêu: Tìm hướng đi cho tổ hợp tác, hợp tác xã

* Xã viên HTX nuôi nghêu Đồng Tiến thu hoạch nghêu. Minh Đạt

Trong hội nhập kinh tế toàn cầu, việc liên kết sản xuất đã trở thành vấn đề mang tính sống còn. Điều này lại càng cần thiết hơn khi sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Do vậy, liên kết sản xuất thông qua các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

HTX: Lượng nhiều hơn chất

Toàn tỉnh hiện có 809 THT với 19.453 thành viên, trong đó có 694 THT nông nghiệp với 18.151 thành viên; có 109 HTX với 36.767 thành viên, trong đó có 85 HTX hoạt động và 24 HTX ngừng hoạt động. Qua đó cho thấy, tuy có nhiều THT, HTX, song chủ yếu hoạt động còn yếu kém, quy mô nhỏ, sản xuất manh mún…


* HTX Tiến Đạt (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Ảnh: M.Đ

Theo Liên minh HTX tỉnh, nguyên nhân các HTX, THT hoạt động yếu kém chủ yếu do trình độ, năng lực của đội ngũ quản lý còn nhiều hạn chế; một bộ phận cán bộ quản lý chưa tâm huyết với HTX. Kinh tế tập thể phát triển không đồng đều, chưa vững chắc, hầu hết các HTX hoạt động có hiệu quả tập trung ở lĩnh vực tín dụng, dịch vụ; còn ở lĩnh vực sản xuất trực tiếp thì chậm phát triển; một số ngành quan trọng, có tiềm năng như: thủy sản, nông nghiệp - nông thôn thì lại ít có HTX đủ mạnh để tạo động lực cho sản xuất phát triển. Mặt khác, hầu hết các HTX chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lạc hậu về công nghệ, chất lượng sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, rất ít HTX xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường…

Nhiều THT, HTX gần như chỉ dừng lại ở khâu tập trung nông dân vào sản xuất, chứ chưa phát huy được vai trò liên kết. Nhiều hộ nông dân tham gia THT, HTX chỉ với mục đích tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng hoặc nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, chứ chưa xem đây là nơi để cùng hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra hàng hóa lớn.

Bên cạnh đó, nhiều THT, HTX chưa phát huy được vai trò trong xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng đến tiêu thụ, chưa có mô hình quản lý khoa học để thu hút và tạo niềm tin cho thành viên, xã viên… Nhiều HTX thiếu kế hoạch, dự án kinh doanh, chậm đổi mới, chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thu hút nguồn lực phát triển, liên kết, liên doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia phát triển cộng đồng. Từ đó kéo theo hiệu quả kinh tế, thu nhập của các thành viên, xã viên không cao. Đây là nguyên nhân chính làm cho xã viên chưa thật sự gắn bó với các THT, HTX; không tự nguyện góp vốn để đầu tư cho phát triển sản xuất.

Nhiều lợi ích khi tham gia HTX

Thực tiễn đã chứng minh, nếu THT, HTX được phát huy sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, nông dân khi tham gia HTX sẽ được hưởng nhiều lợi ích như được mua hàng hóa, sản phẩm của HTX với giá cả phải chăng, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, đầu ra sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng thông qua HTX với giá cả có lợi cho nông dân. Có HTX, nông dân sẽ giảm bớt các khâu trung gian, giúp nông dân mua vật tư nông nghiệp tận gốc, sản phẩm bán được tận ngọn, có thể tránh được rủi ro khi được mùa mất giá, được giá mất mùa như hiện nay.

Đơn cử như HTX xã nuôi nghêu Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). HTX nuôi nghêu Đồng Tiến có hơn 400 xã viên và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động (phần lớn là đồng bào Khmer) với thu nhập bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Cá biệt, vào mùa thu hoạch nghêu, có người thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX nuôi nghêu Đồng Tiến đã giúp nhiều hộ nghèo không còn sống dựa vào rừng phòng hộ. Từ đó hạn chế phá rừng lấy củi bán kiếm sống và góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn… Hiện nay, HTX có hơn 400ha nuôi nghêu. Năm 2015 lợi nhuận của HTX hơn 75 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.000 người.

Các THT, HTX không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, mà còn hướng đến xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, ổn định đầu ra sản phẩm, tăng lợi nhuận. Đồng thời giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tập hợp, liên kết nông dân ít ruộng đất cùng nhau sản xuất và có lãi cao; hình thành liên kết “4 nhà” từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín. Đó cũng là nền tảng để nông dân sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tiến đến xây dựng thương hiệu nông sản Bạc Liêu.

Minh Đạt Báo Bạc Liêu, 16/08/2016