TIN THỦY SẢN

Bạc Liêu: Tình hình sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp tháng 8 năm 2015 và triển khai nhiệm vụ tháng 9 năm 2015

Ảnh minh họa Văn Thọ

Trong thời gian qua, Tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực thủy sản đã được tỉnh tập trung thực hiện tái cơ cấu, nhằm phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng vốn có đối với một tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Kết quả nuôi trồng, sản xuất chế biến thủy sản trong tháng 8 vừa qua toàn tỉnh đạt kết quả cao góp phần vào thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội

Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong tháng ước đạt 28.286 tấn (trong đó tôm 12.862 tấn). Diện tích nuôi trồng thủy sản 113.658 ha; diện tích thu hoạch 100.749 ha; sản lượng nuôi trồng 18.953 tấn (trong đó tôm 11.440 tấn). Toàn tỉnh hiện có 1.293 tàu cá, trong đó có 1.218 tàu đăng ký, đăng kiểm (tổng công suất 182.136CV; tổng số thuyền viên 7.220 người); sản lượng thủy sản khai thác 9.333 tấn (trong đó tôm 1.422 tấn).

Đối với chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản và muối: Sản lượng chế biến thủy sản trong tháng ước đạt 5.016 tấn (trong đó tôm 4.909 tấn), xuất bán 5.349 tấn (trong đó tôm 5.244 tấn). Sản lượng gạo mua vào 2.000 tấn gạo, xuất bán 5.870 tấn. Sản lượng muối mua vào 2.108 tấn, bán ra 1.225 tấn.
Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của cả năm 2015 đối với lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, trong những tháng cuối năm 2015 Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ sau.

Nuôi trồng thủy sản: Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo về nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản, vệ sinh môi trường, trong đó tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như: Giám sát chặt chẽ diễn biến môi trường vùng nuôi; hướng dẫn nông dân tuân thủ Quy hoạch, Lịch thời vụ và Quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; tình hình cung ứng và chất lượng vật tư nông nghiệp và tôm giống phục vụ sản xuất; tiến độ thả giống, tình hình thiệt hại và biện pháp khôi phục sản xuất, v, v, ... Phân công cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thủy sản bám sát địa bàn, chỉ đạo sát thực tế, nắm chắc tình hình (tình hình thả giống tôm, cá, v, v, …, diện tích thu hoạch và diện tích nhiễm bệnh), hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ diện tích đang nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi (hướng dẫn xử lý tôm nuôi bị dịch bệnh, cải tạo ao đầm, bơm bùn đáy ao ra môi trường, v, v, …). Tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục dịch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, xử lý các trường hợp vi phạm; tiếp tục triển khai cấp sổ và hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác thủy sản; cấp Giấy chứng nhận khai thác thủy sản cho các tàu cá phục vụ chế biến xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Tuyên truyền vận động ngư dân an tâm bám biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, tuyên truyền về ranh giới biển và vùng khai thác cho các tàu khai thác xa bờ; tổ chức cho ngư dân làm bản cam kết không vi phạm vùng biển các nước trong khu vực, không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt việc bảo quản sản phẩm sau khai thác. Thường xuyên theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có liên quan nắm chắc diễn biến tình hình an ninh trên biển để kịp thời chỉ đạo và đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất trên biển. 

Văn Thọ Fistenet, 01/09/2015