Bạc Liêu trở thành trung tâm tôm công nghiệp, ý tưởng và hành động?
Việt Nam có diện tích nuôi tôm hàng năm gần 700 ngàn ha, sản lượng gần 700 ngàn tấn, kim ngạch XK tôm trên 3 tỷ USD
Bạc Liêu được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành “thủ phủ” tôm của cả nước
Nước ta có nhiều vùng có lợi thế để nuôi tôm, đặc biệt con tôm sú là sản phẩm đặc trưng Việt Nam, đáng tiếc là thương hiệu tôm Việt chưa có. Xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam là sự thôi thúc hơn bao giờ hết... Tìm đường đi cho tôm Việt, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam là sự thôi thúc hơn bao giờ hết đưa nước ta thành "công xưởng tôm" hàng đầu thế giới...
Cả tỉnh nuôi tôm
Bạc Liêu có đường bờ biển khoảng 56 km, kéo dài trên địa bàn TP.Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải. Với đặc điểm hệ thống kênh ngòi chằng chịt, đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau, việc dẫn nước mặn về nội đồng rất thuận tiện. Vì vậy, nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển mạnh trên địa bàn cả 7 đơn vị hành chính cấp huyện và cả tỉnh.
Nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu phát triển mạnh vào những năm 2000. Hình thức nuôi ban đầu chủ yếu quảng canh truyền thống. Bạc Liêu có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 220.000ha (chiếm 90% diện tích đất toàn tỉnh). Diện tích đất nuôi tôm chiếm ưu thế với hơn 50% (khoảng 127.000ha). Trong đó, nuôi quảng canh vẫn chiếm diện tích lớn nhất với gần 78.000ha. Tập trung tại các huyện Đông Hải (gần 35.000ha); Hòa Bình (gần 8.000ha); Giá Rai (hơn 19.500ha).
Loại hình nuôi này đang được ngành nông nghiệp Bạc Liêu tập trung phát triển theo nhiều hình thức cải tiến, mang lại hiệu quả cao. Tại xã Điền Hải (huyện Đông Hải), mô hình nuôi quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước của tổ hợp tác Tiền Phong đã chứng minh được hiệu quả, với số lời 60 – 70 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, hình thức nuôi này đã được nhân rộng ra hàng trăm ha trên địa bàn huyện.
Tổng diện tích thực hiện lúa tôm năm 2015 của tỉnh hơn 26.400 ha. Sản lượng đạt 7.244 tấn, năng suất nuôi đạt trung bình 0,27 tấn/ha.
Kế hoạch năm 2016, tỉnh thực hiện diện tích lúa tôm hơn 29.400 ha. Sản lượng 9.100 tấn, năng suất trung bình tăng lên 0,31 tấn/ha.
Hình thức nuôi tôm trên đất lúa mang lại lợi nhuận khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/năm, vượt trội hẳn so với cây lúa truyền thống.
Diện tích nuôi thâm canh lớn nhất
Mô hình nuôi tôm thâm canh được phát triển tại Bạc Liêu khá sớm. Vào khoảng những năm đầu của thế kỷ, nuôi tôm thâm canh đã tỏa rộng trên địa bàn TP.Bạc Liêu và huyện Hòa Bình với diện tích hàng ngàn ha. Thời hoàng kim của con tôm thâm canh tại địa phương được đánh dấu vào giai đoạn 2010 – 2014.
Trong giai đoạn này, mô hình nuôi tôm thâm canh phát triển rất mạnh ở các địa bàn trên và lan sang các huyện Giá Rai, Đông Hải và sau này là Vĩnh Lợi.
Hiện Bạc Liêu đang đứng đầu cả nước về diện tích nuôi nuôi tôm công nghiệp, với khoảng 19.500ha. Cao hơn cả “thủ phủ" tôm Cà Mau (diện tích nuôi thâm canh khoảng 11.000ha).
Một điều đáng nói nữa về sự phát triển lĩnh vực tôm thâm canh tại Bạc Liêu là người dân rất có ý thức trong việc phát triển đối tượng nuôi. Nếu trong cơ cấu đối tượng tôm thâm canh của các tỉnh trong vùng, tôm thẻ chân trắng phần lớn chiếm đa số, thì tại Bạc Liêu hoàn toàn ngược lại. Ngay cả giai đoạn bùng phát nuôi tôm thẻ chân trắng khủng khiếp vào những năm 2013 – 2014, người nuôi tôm Bạc Liêu vẫn “chung tình” với con tôm sú bền vững, theo đúng tinh thần được khuyến cáo.
Năm 2015, trong diện tích nuôi tôm thâm canh 19.000ha của tỉnh, đối tượng thẻ chân trắng chỉ được người dân thả nuôi 5.500ha, chưa bằng ½ diện tích nuôi tôm sú. Trong kế hoạch thực hiện năm 2016, diện tích nuôi sú thâm canh của tỉnh vẫn hoàn toàn áp đảo tôm thẻ với 13.800ha so với 5.700ha của đối tượng thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, sau thời gian phát triển mạnh, người nuôi thâm canh trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Từ thực tế cho thấy, loại hình nuôi tôm thâm canh của tỉnh đang bước vào giai đoạn thăng trầm. Diện tích hiện tại bà con thả nuôi hạn chế hơn trước rất nhiều. Thậm chí có những hộ phải bỏ đi nơi khác làm ăn sau những vụ nuôi công nghiệp thất bại. Những khó khăn cơ bản như: Môi trường nuôi ô nhiễm; dịch bệnh; giá đầu vào quá cao...
Những thách thức trong nuôi tôm đã hiện hữu và đang chờ lời giải từ ngành chức năng Bạc Liêu
Để trở thành trung tâm tôm của cả nước, thuận lợi của tỉnh Bạc Liêu là rất lớn. Tuy nhiên, thách thức cũng không phải nhỏ. Nhiều bài toán đang chờ lời giải từ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu, sự trợ giúp của các Bộ ngành để đưa ngành tôm phát triển lên tầm cao mới.
Văn phòng Chính phủ đã thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Đánh giá chung, Thủ tướng đề cao nỗ lực, sự cố gắng của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu đã khắc phục được những khó khăn, trong giai đoạn 2011 – 2015, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12%/năm, cao hơn trung bình cả nước. Về kiến nghị của tỉnh trong việc Quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước”, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, Bạc Liêu phải khẩn trương xây dựng đề án gửi Bộ NN-PTNT để Bộ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu: Thực hiện tốt tái cơ cấu thủy sản
Trong đại hội Đảng bộ lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh đã xác định lấy con tôm làm chủ lực để phát triển kinh tế. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý chủ trương nên chúng tôi rất phấn khởi. Để thực hiện được chủ trương trên, điều tiên quyết chúng tôi phải làm là tái cơ cấu ngành thủy sản.
Trong đó, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, đảm bảo thực hiện phát triển theo chuỗi sản xuất, nhằm nâng cao giá trị, hạ giá thành sản phẩm. Việc chuyển giao quy trình công nghệ, kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa sử dụng chất cấm, đảm bảo tạo ra sản phẩm tôm sạch sẽ được quan tâm, siết chặt. Công tác tuyên truyền rất quan trọng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu:
Thành lập khu nuôi tôm công nghệ cao Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Trong đó, phải xác định được các phân khu bức thiết: Phân khu sản xuất giống tôm, sản xuất thức ăn, sản xuất vi sinh; Phân khu nuôi tôm công nghệ cao; Phân khu chế biến và các công trình phụ trợ.
Từng phân khu phải có Dự án cụ thể để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Xây dựng được Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là tiền đề để nâng tầm con tôm Bạc Liêu. Lúc đó, người nuôi có đầy đủ con giống, sản phẩm đầu vào, quy trình nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngay cả đầu ra cũng được đảm bảo.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Cty TNHH SX-TM Trúc Anh:
Chính sách vay vốn phải phù hợp hơn Đứng trên phương diện là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tôi thấy so với các tỉnh trong vùng, Bạc Liêu nhỉnh hơn một chút về điều kiện để phát triển ngành tôm. Ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nuôi tôm nước lợ, các vấn đề về con giống, thức ăn, quy trình nuôi, nhà máy chế biến… Bạc Liêu căn bản có và đáp ứng được.
Cái còn thiếu để con tôm của tỉnh tiến một bước lớn là hạ tầng cơ sở. Điện, đường phải được đầu tư đồng bộ hơn. Hiện nay, một ha đất nuôi tôm bà con chỉ vay ngân hàng được vài chục triệu. Trong khi, để đầu tư nuôi tôm bà con cần hàng trăm triệu, vấn đề này phải giải quyết như thế nào? Tôi nghĩ rằng, phải tính được giá trị đất cho dân, chính sách vay vốn phải phù hợp hơn.
Ông Sáu Ngoãn (vua tôm Bạc Liêu):
Cần giải bài toán từ thực tế Tỉnh định hướng phát triển thành trung tâm ngành tôm của cả nước, tốt thôi. Nhưng cần giải được bài toán thực tế, đầu vào cho nuôi tôm đang quá cao, trong khi đầu ra lại thấp, nông dân nuôi tôm khó có lời.
Phải nói thêm tình hình nuôi hiện nay không khả quan lắm, tỷ lệ thất bại cao, nhiều hộ bỏ đầm không nuôi. Bạc Liêu đang khuyến khích phát triển nuôi tôm siêu thâm canh nhưng người dân không bao giờ làm được điều này vì vốn quá lớn
Bạc Liêu đang đứng thứ 2 cả nước về diện tích cũng như sản lượng tôm. Đặc biệt, vài năm gần đây, tỉnh này phát triển rất mạnh mô hình tôm – lúa tại hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Vùng đất này trước đây là rốn lúa của tỉnh, nhưng từ thực tế đất bị nhiễm phèn mặn rất nặng, canh tác không hiệu quả. Tỉnh Bạc Liêu đã uyển chuyển thực hiện chuyển đổi tạo nên vùng canh tác tôm – lúa, với diện tích khoảng 29.000 ha