Bạch tuộc có chung tổ tiên với con người, não phát triển vượt bậc
Bạch tuộc là loài rất thông minh và một nghiên cứu mới cho thấy nguyên nhân có thể là do chúng có bộ não tương tự con người.
Bạch tuộc và con người có nguồn gốc tiến hóa từ cùng một sinh vật nguyên thủy giống như giun có tên là Facivermis yunnanicus, sống cách đây 518 triệu năm. Điều này có thể lý giải tại sao loài sinh vật có tám chi này rất thông minh.
Loài Facivermis yunnanicus là ví dụ sớm nhất được biết đến về quá trình tiến hóa của động vật để loại bỏ các bộ phận cơ thể không còn cần thiết và có trí thông minh tối thiểu.
Trung tâm Max Delbruck ở Berlin (Đức) đã phát hiện cấu trúc não của bạch tuộc tương tự như con người vì loài động vật biển này có nhiều bộ điều chỉnh gien gọi là microRNA (miRNA) trong mô thần kinh, tương đương với số lượng ở động vật có xương sống. Các phát hiện cho thấy miRNA, một loại gien RNA, đóng vai trò cơ bản trong phát triển bộ não phức tạp.
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Nikolaus Rajewsky khẳng định đó chính là bằng chứng cho thấy con người và bạch tuộc có mối liên quan.
Các nhà khoa học từ lâu đã nghiên cứu trí thông minh của bạch tuộc, quan sát cách chúng học giải câu đố và mở nắp chai, lọ. Chúng có thể sử dụng các công cụ để đạt được mục đích. Chúng biết tìm vỏ dừa để trú ẩn, xếp đá để bảo vệ hang trú ẩn và sử dụng các xúc tu để phòng thủ. Gần đây, chúng còn biết ném đá vào nhau.
Nghiên cứu đã phân tích 18 mẫu mô khác nhau của bạch tuộc và xác định được 42 họ miRNA mới - chủ yếu ở não.
Các gien được bảo tồn trong quá trình tiến hóa của động vật chân đầu (cephalopod) đã đem lại lợi thế và mặt chức năng cho loài vật này.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Grygoriy Zolotarov nhận xét: “Đây là sự mở rộng lớn thứ ba của các họ miRNA trong thế giới động vật và lớn nhất bên ngoài động vật có xương sống”. Để hiểu rõ hơn, ông Zolotarov nêu ví dụ rằng hàu cũng là động vật thân mềm nhưng chỉ có 5 họ miRNA mới, trong khi bạch tuộc có đến 90 họ miRNA mới.
Bạch tuộc là loài duy nhất trong số các loài động vật không xương sống, có cả não trung tâm và hệ thần kinh ngoại vi có khả năng hoạt động độc lập. Nếu một con bạch tuộc bị đứt xúc tu, xúc tu đó vẫn có cảm giác khi chạm vào và vẫn có thể cử động được.
Bạch tuộc là loài duy nhất phát triển các chức năng não phức tạp như vậy bởi vì chúng sử dụng xúc tu rất có mục đích.
Chúng cũng rất tò mò và có thể ghi nhớ mọi thứ. Chúng có thể nhận ra con người và thích một số người hơn những người khác. Người ta tin rằng chúng thậm chí còn mơ, vì chúng thay đổi màu sắc và cấu trúc da khi ngủ.