Bài Dự thi "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững": Gỡ từng "nút thắt"
Hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ, vật liệu mới là một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong quá trình triển khai thực hiện, có một số vướng mắc phát sinh khiến việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn của ngư dân bị chậm trễ, trong đó có vướng mắc liên quan đến 21 mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) ban hành. Mới đây, "nút thắt" này đã được tháo gỡ, hy vọng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ vay vốn của ngư dân.
Băn khoăn chọn mẫu
Theo quy trình, để tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng theo Nghị định 67 thì ngư dân phải thực hiện các yêu cầu: Chọn mẫu thiết kế tàu do Bộ NN và PTNT ban hành, sau đó chuyển mẫu về công ty đóng tàu. Công ty đóng tàu lập dự toán kinh phí, tiếp đến ngư dân chuyển bản dự toán cùng bản vẽ mẫu tàu đến ngân hàng. Ngân hàng sẽ có một tổ thẩm định độc lập xem xét dự toán để quyết định có giải ngân hay không. Chính vì vậy, việc chọn mẫu là yêu cầu quan trọng, mở đầu cho tất cả các bước tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chính quyền các địa phương ven biển cũng như ngư dân có nhiều băn khoăn về việc chọn mẫu tàu.
Nguyên nhân được đưa ra là các mẫu tàu do Bộ NN và PTNT ban hành không thật sự phù hợp với từng ngành nghề đi biển của ngư dân. Từ đó dẫn đến việc ngư dân phải mất thời gian và chi phí gửi mẫu đến Công ty thiết kế tàu chỉnh sửa. Sau khi chỉnh sửa lại phải gửi thiết kế về Tổng cục Thủy sản phê duyệt. Sự chậm trễ trong hoàn thiện hồ sơ vay vốn vì thế mà kéo dài thêm rất nhiều. Đưa những thắc mắc của ngư dân trao đổi với Trung tâm đăng kiểm tàu cá - đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, Giám đốc Trung tâm Đào Hồng Đức cho biết: Những mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép đối với các nghề khai thác: nghề rê, nghề vây, nghề chụp, nghề câu và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đã được Bộ NN và PTNT phê duyệt mang tính chung, đặc trưng cho các vùng, miền: bắc, trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Vì đây là tàu thiết kế mẫu, không thể chi tiết theo ý muốn của mỗi ngư dân cho nên một số ngư dân cho rằng không phù hợp. Tuy nhiên, qua giám sát các mẫu tàu cá gửi về đề nghị điều chỉnh, sửa đổi thì chủ yếu là điều chỉnh cho phù hợp với tập quán, thói quen và tính kiêm nghề của ngư dân (thí dụ việc điều chỉnh tăng số thuyền viên tàu cá, điều chỉnh kích thước phù hợp với phong thủy theo độ tuổi ngư dân, điều chỉnh kích thước tàu để hoạt động kiêm nghề như lưới chụp kiêm vây mạn). Điều này chúng tôi đã lường trước và nêu rõ trong Thông tư số 25/2014/TT-BNN quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá: Chủ tàu có quyền yêu cầu đơn vị thiết kế mẫu tàu cá điều chỉnh thiết kế so với mẫu nhưng không làm ảnh hưởng đến tính năng an toàn của con tàu. Ông Đào Hồng Đức cũng cho biết thêm: Thực tế, trong số 292 tàu vỏ thép đã được các tỉnh, thành phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67, đến nay có 45 tàu cá vỏ thép có hợp đồng giám sát, trong đó có 15 tàu cá lựa chọn đúng theo mẫu thiết kế, số còn lại điều chỉnh theo tập quán, thói quen và tính kiêm nghề.
Giao địa phương phê duyệt thiết kế
Ngoài vướng mắc về mẫu thiết kế tàu thì ngư dân cũng băn khoăn về tiến trình phê duyệt chỉnh sửa thiết kế. Theo anh Huỳnh Ngọc Huệ- ngư dân xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thì sau khi Công ty thiết kế tàu điều chỉnh theo yêu cầu của ngư dân thì mẫu tàu phải tiếp tục chuyển về cho Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản phê duyệt thiết kế. Ngoài số tiền điều chỉnh thiết kế là 70 triệu đồng, ngư dân còn phải mất thêm thời gian chờ đợi hồ sơ chuyển qua, chuyển lại. Để tháo gỡ vướng mắc này, mới đây, Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh, TP ven biển phê duyệt lựa chọn thiết kế.
Theo đó, đối với các mẫu tàu vỏ gỗ, vật liệu mới và mẫu tàu vỏ thép dù thực hiện nguyên mẫu hay có sự điều chỉnh so với thiết kế mẫu mà không ảnh hưởng đến tính năng an toàn của con tàu thì địa phương sẽ phê duyệt thiết kế. Sự thay đổi này, chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ vay vốn của ngư dân, như chia sẻ của Phó trưởng phòng NN và PTNT huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đình Sơn: Không ít ngư dân khi chọn mẫu tàu muốn điều chỉnh so với thiết kế mẫu, và dù ít dù nhiều sau khi điều chỉnh vẫn phải chuyển qua Tổng cục Thủy sản phê duyệt, mất thêm một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, chuyển quyền phê duyệt về cho địa phương là cần thiết và hợp lý, ngư dân cũng dễ nắm tình hình con tàu của mình để an tâm hơn. Nhiều ngư dân cũng kiến nghị, chi phí chỉnh sửa thiết kế tàu nên được tính vào trị giá con tàu khi thế chấp vay ngân hàng thì họ sẽ mạnh dạn đầu tư hơn.
Sau chín tháng triển khai thực hiện Nghị định 67, có nhiều vướng mắc phát sinh cả từ phía ngư dân, chính quyền địa phương và T.Ư cũng như từ phía ngân hàng. Thận trọng, chặt chẽ trong việc phê duyệt danh sách đóng mới tàu cá, phê duyệt thiết kế hay thẩm định hồ sơ vay vốn là cần thiết nhưng các cơ quan chức năng cũng cần linh hoạt và nhanh chóng điều chỉnh, thay đổi các yêu cầu cho phù hợp và sát với thực tế, để Nghị định 67 đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả.
Hiện, số tàu vỏ thép đã và đang triển khai đóng mới tại các nhà máy đóng tàu là sáu chiếc. Tại Công ty đóng tàu Sông Đào tiến hành đóng mới và đưa vào sử dụng một tàu chụp mực. Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang đóng mới hai tàu chụp mực kiêm nghề vây. Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn đóng mới một tàu lưới rê và một tàu lưới vây mạn. Công ty TNHH MTV trục vớt cứu hộ Việt Nam - Xí nghiệp sửa chữa tàu biển đóng mới một tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.