Băn khoăn với con tép bạc bông
Trước tình hình nuôi tôm sú và tôm thẻ đang có dấu hiệu xấu đi, nhiều nông dân ở Trà Vinh đã chuyển sang thả nuôi tép bạc bông. Tuy nhiên, vấn đề khiến không ít người băn khoăn hiện nay là việc xác định nguồn gốc cũng như mức độ thích nghi của loài thủy sản này.
Kháng được nhiều loại bệnh
Theo một số hộ nuôi ở Trà Vinh, tép bạc bông có khả năng kháng được các bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, bệnh hoại tử gan tuỵ… Thêm vào đó, chi phí nuôi tép bạc bông khá thấp, hầu như không sử dụng các loại hoá chất, thuốc thú y và một số sản phẩm bổ sung như khi nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Ông Phan Văn Nhịp (ở ấp Hậu Bối, xã Hiệp Mỹ Đông, H.Cầu Ngang) vừa thu hoạch tép bạc bông, lãi hơn 30 triệu đồng. Ông Nhịp kể sau Tết Nguyên đán, ông tìm mua con giống tôm thẻ chân trắng về thả nuôi thay tôm sú. Do nguồn giống tôm thẻ khan hiếm, nên ông được một người ở xóm giới thiệu giống tép bạc bông. Từ ao nuôi tôm sú trước đây, ông bón thêm vôi, thuốc cá, duy trì độ mặn khoảng 10%o và thả 70.000 con giống. Mỗi ngày ông cho ăn 3 lần, bằng thức ăn của tôm thẻ chân trắng. Sau 1 tháng, ông lắp thêm 2 giàn quạt để bổ sung ô xy. Trong suốt quá trình nuôi chỉ cần bón thêm vôi Dolomite và một ít khoáng bổ sung cho tép mau lớn. Sau gần 3 tháng, ông thu hoạch ao nuôi, tép bạc bông đạt trọng lượng bình quân 75 con/kg.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến ao nuôi của ông Phan Văn Út (ngụ cùng ấp Hậu Bối). Ông Út kể thấy có nhiều người nuôi loài tép này đạt hiệu quả cao và ít bị nhiễm bệnh, nên ông đã dành 2 ao nuôi tôm sú trước đây để thả nuôi tép bạc bông. Ao nuôi thứ nhất, ông thả 50.000 con giống. Ao nuôi thứ hai thả 40.000 con. Hằng ngày, mỗi khi nước lớn, ông mở miệng cống để nước ngoài kênh tràn vào ao và không dùng bất cứ biện pháp nào để cách ly mầm bệnh. Trong khi đó, xung quanh có rất nhiều ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại đã thải nước ra hệ thống kênh mương. Ông khẳng định loài tép này vẫn phát triển bình thường và có khả năng thích ứng với nguồn nước bị ô nhiễm. Qua 2 tháng thả nuôi, tép trong ao không có biểu hiện bị nhiễm bệnh như các loài tôm sú hay tôm thẻ chân trắng.
Chưa xác định rõ nguồn gốc
Theo UBND xã Hiệp Mỹ Đông, đến thời điểm này, toàn xã có 8 hộ chuyển sang nuôi tép bạc bông với diện tích hơn 30 ha, trong đó có 3 hộ đã thu hoạch. Các hộ nuôi loài tép này đều thu được lợi nhuận, vì nuôi với mật độ thấp. Tuy sản lượng thu hoạch không cao, nhưng chưa xảy ra tình trạng nhiễm các loại bệnh. Ông Huỳnh Tấn Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Đông, cho biết xã không có chủ trương khuyến khích bà con chuyển sang nuôi loài thuỷ sản này. Nhưng khi một số bà con đi tìm hiểu để nuôi thử, xã không thể ngăn cấm. Tuy nhiên, xã cũng khuyến cáo đây là loài thuỷ sản chưa được các ngành chuyên môn xác định và cho phép nuôi đại trà.
Để có được nguồn con giống, bà con nuôi tôm ở Trà Vinh đã liên hệ với 1 cơ sở ương dưỡng con giống tôm thẻ chân trắng ở H.Thạnh Phú (Bến Tre). Cơ sở này đã giới thiệu tép bạc bông là loại giống mới, giá chỉ khoảng 40 đồng/con loại post 10 và được bà con mua về nuôi thử cho đến nay.
Ông Trần Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Trà Vinh, cho biết loài này có thể cũng là tôm thẻ chân trắng, do các cơ sở sản xuất giống ở Cà Ná (Bình Thuận) cung ứng cho người nuôi, trong đó có một số tỉnh phía Nam. Còn tên tép bạc bông có thể là do cơ sở mua về ương dưỡng và tự đặt để dễ bán hơn.
Theo các hộ nuôi, loài thuỷ sản này có dòng đời khá ngắn, chỉ khoảng 3 tháng là cho thu hoạch. Mật độ nuôi cũng khá thấp, từ 20 - 60 con/m2. Do đó, để chứng minh loài thuỷ sản này có thích hợp với mật độ nuôi công nghiệp hay không, rất cần đến những công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn.
Ao nuôi tép bạc bông rộng 3.500 m2 của ông Phan Văn Út