TIN THỦY SẢN

Báo động môi trường nuôi tôm hùm vượt ngưỡng cho phép

Vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu là thủ phủ nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS. Kim Sơ - Minh Hậu

Thời gian qua, kết quả quan trắc môi trường nước tại vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên thường xuyên cho thấy các chỉ tiêu không phù hợp cho đối tượng thủy sản.

Ô nhiễm do mật độ nuôi dày đặc

Vịnh Xuân Đài thuộc TX Sông Cầu được xem là “thủ phủ” nuôi tôm hùm của tỉnh Phú Yên. Vịnh này với tổng diện tích khoảng 130,45km², diện tích mặt nước rộng, thoáng, kín gió và môi trường nước ổn định nên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè, nhất là nuôi tôm hùm.

Tuy nhiên đó là chuyện những năm về trước, còn những năm gần đây môi trường nước quan trắc thường xuyên không ổn định, một số chi tiêu nằm ngoài ngưỡng cho phép, không phù hợp cho nuôi tôm.

Ông Trần Văn Tuấn, một người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu cũng nhận thấy thực tế, 5 năm trở lại đây việc thả nuôi không mấy thuận lợi như những năm về trước là thả đâu thắng đấy. Ông cho rằng, môi trường tại các vùng nuôi ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Do mật độ lồng nuôi quá dày làm cản trở lưu thông nguồn nước, cộng với ý thức bảo vệ môi trường còn kém. Chất thải như xác, tôm, cá, thức ăn dư thừa.... không được xử lý nên gây ô nhiễm nguồn nước.

“Trong quá trình nuôi có người thu gom xác tôm cá, thức ăn dư thừa đưa vào vào bờ xử lý. Ngược lại cũng có người không thu gom, bỏ ngay tại vùng nuôi nên ảnh hưởng môi trường chung vùng nuôi”, ông Tuấn nói, môi trường nước rất quan trọng, quyết định sự thành bại trong nuôi tôm. Nhưng để bảo vệ môi trường chung mọi người phải có ý thức.

Nói về môi trường nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè những năm gần đây, bà Lê Thị Hằng Nga, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phú Yên nhắc lại bài học sự cố môi trường xảy ra vào năm 2017 ở vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu. Thời điểm đó, trời nắng nóng và có mưa dông vào buổi chiều nên đáy bùng lên làm tảo nở hoa gây thiếu oxy trong nước khiến tôm hùm nuôi chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề cho người nuôi.


Mật độ lồng bè nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài dày đặc, vượt nhiều so với quy hoạch. Ảnh: MH.

Nguyên nhân chính khiến môi trường vùng nuôi ngày càng xuống cấp do thời gian qua nghề nuôi tôm hùm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân ồ ạt thả giống.

Vì hầu hết trước đây nuôi tôm hùm đều có lãi. Thêm vào đó, những năm gầy đây nguồn tôm giống được các doanh nghiệp nhập về bán lại cho người người nuôi với số lượng rất phong phú, quanh năm, giá lại rẻ nên người nuôi có thể thả bất cứ lúc nào. Từ đó làm cho số lượng lồng nuôi tôm hùm trên địa bàn tăng nhanh thời gian qua và dẫn đến môi trường ngày càng suy giảm.

Toàn tỉnh Phú Yên chỉ quy hoạch 49.000 lồng. Tuy nhiên theo số liệu mới nhất các địa phương đến nay đã lên đến gần 90.000 lồng, trong đó tập trung chủ yếu ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) gấp 3 lần so với quy hoạch.

Phải giảm mật độ lồng bè

Theo bà Nga, để môi trường quay lại phù hợp cho nuôi tôm hùm như trước đây bắt buộc người nuôi phải giảm lồng bè xuống theo khuyến cáo cơ quan chức năng; đồng thời quản lý tốt quy trình nuôi.

Theo đó, người nuôi lưu ý thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, cũng như hệ thống cây làm bè đã hư hỏng nên thu gom, các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền không nên xả thải vào vịnh. Bên cạnh đó, tăng cường sức khỏe của tôm hùm nuôi bằng cách sử dụng thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng và bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất nhằm giúp tôm giảm stress và tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi và tác nhân gây bệnh.


Những năm gần đây, nhiều người nuôi tôm hùm thiệt hại nặng, nhất là sự cố môi trường vào năm 2017. Ảnh: KS.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho hay, theo nghiên cứu các nhà khoa học tính toán sức tải môi trường trong vịnh Xuân Đài với thiết kế kiểu lồng nuôi của dân hiện từ 27-33 m3/lồng thì khoảng 20.000 lồng mới đảm bảo. Còn hiện tại với số lồng nuôi gấp 2-3 lần thì nuôi không thể nuôi bền vững.

“Bây giờ nuôi bền vừng chỉ có cách giảm dần lồng bè xuống để đảm bảo sức tải môi trường”, ông Phương khẳng định và nói theo kết luận 360 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã yêu cầu sắp xếp lại lồng bè theo đúng ngưỡng môi trường và quy hoạch.

Về vấn đề này, các địa phương đang tổ chức sắp xếp lại lồng bè nuôi xuống còn 45.000 lồng đến tháng 10/2021. Sau đó, đến giai đoạn 2025-2030 tiếp tục giảm dần xuống còn 20.000 lồng theo quy hoạch. Đồng thời các lồng nuôi cũng chuyển sang vật liệu mới, chứ không còn lồng nuôi truyền thống như hiện nay. Khi đó cùng với việc quản lý thức ăn, con giống, việc nuôi trồng thủy sản trong ngắn hạn vẫn đáp ứng được.

Bài toán nan giải

Theo ông Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, việc giải quyết bài toán lồng nuôi dư thừa là bài toán khó. Việc đưa số lồng nuôi này ra vùng nuôi biển hở đòi hỏi người nuôi phải có tay nghề cao, cũng như vốn liếng lớn và áp dụng công nghệ nuôi phù hợp. Các nước nuôi biển hở hoàn toàn khác với vùng biển hở của mình. Thật ra họ nuôi biển hở mặc dù xa bờ nhưng vẫn trong vùng kín. Trong khi đó, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nuôi trồng thủy sản thì đang vướng Nghị định 11 của Chính phủ.


Lồng nuôi tôm hùm kiểu truyền thống bằng gỗ nên chống chịu gió, bão rất kém. Ảnh: NC.

Theo Nghị định 11 để giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản phải căn cứ quy hoạch không gian Quốc gia và quy hoạch tỉnh. Trong khi quy hoạch quốc gia chưa làm, còn quy hoạch tỉnh Phú Yên đang làm. Trường hợp chưa có 2 quy hoạch nói trên được duyệt, địa phương có thể xem xét từng dự án cụ thể xin ý kiến các sở, ban ngành, nếu không ảnh hưởng quy hoạch khác thì cũng có thể giao. Tuy nhiên tỉnh Phú Yên chưa có 2 quy hoạch trên nên khó triển khai được.

"Điển hình như Công ty Thủy sản Đắc Lộc làm nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh nuôi tôm hùm vùng biển hở. Để thực nhiệm vụ trên, tỉnh phải giao 25 ha mực nước dưới biển, 3 ha mực nước trên bờ để làm hậu cần. Nhưng rồi cũng kiến nghị giao theo Luật Thủy sản theo hướng ví dụ nhiệm vụ khoa học 3 năm. Sau nhiệm vụ nếu thành công sẽ chuyển qua nuôi thương mại mình sẽ làm thủ tục giao đất mặt nước theo quy định của pháp luật. Nhưng bên ngành nông nghiệp muốn giao theo Luật Thủy sản để thực hiện nhiệm vụ khoa học. Còn bên Sở TN-MT tham mưu theo hướng giao Luật Đất đai theo Nghị định 11. Từ đó không cùng một hướng nên UBND tỉnh chưa ký giao đất mặt nước cho doanh nghiệp”, ông Phương chia sẻ.

Bà Lê Thị Hằng Nga, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phú Yên, về lâu dài để quản lý lượng chất thải trong hoạt động nuôi tôm hùm thì cần quản lý tốt quy trình nuôi, trong đó có quản lý tốt quy trình cho tôm ăn. Hiện quy trình nuôi của bà con chủ yếu cho tôm ăn thức ăn tươi sống (cá tạp) nên lượng chất thải ra môi trường rất nhiều. Theo Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, để sản xuất được một kg tôm hùm phải tiêu tốn khoảng từ 20-24kg cá tạp. Do đó, nếu chúng ta nghiên cứu sản xuất được thức ăn công nghiệp phù hợp để sử dụng trong nuôi tôm hùm thì sẽ giảm được rất nhiều lượng xả thải ra môi trường và mức độ ô nhiễm sẽ giảm theo.

Kim Sơ - Minh Hậu Nông Nghiệp Việt Nam