TIN THỦY SẢN

Báo động tình trạng nuôi cá lóc ảnh hưởng đến môi trường ở Vĩnh Châu

Báo động tình trạng nuôi cá lóc ảnh hưởng đến môi trường ở Vĩnh Châu. Kim Sang

Ở thị xã Vĩnh Châu 2 năm trở lại đây, do nuôi tôm thua lỗ nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá lóc. Hiện diện tích nuôi cá lóc ở đây đã gần 90 ha. Điều đáng quan tâm là các hộ nuôi loại cá nước ngọt này ở vùng nước mặn Vĩnh Châu đều phải khoan nước giếng lấy nước ngọt để nuôi cá.

Phường Khánh Hòa có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất thị xã Vĩnh Châu với trên 60 ha, tập trung ở khóm Châu Khánh, Trà Niên và Huỳnh Thu. Tìm đến những hộ nuôi cá ở khóm Châu Khánh để hiểu rõ hơn về thực trạng khai thác nước ngầm phục vụ nuôi cá nước ngọt trong vùng nước mặn, nhưng tiếp chuyện với chúng tôi đều là những người coi ao cho chủ. Theo địa phương, trong số những hộ nuôi cá tại đây, nhiều hộ là người từ nơi khác đến thuê đất của dân địa phương để đầu tư nuôi cá lóc.

Trong 2 ao mà em Sơn Nhứt trông coi với diện tích gần 7 ngàn mét vuông thì mỗi ao đều khoan một giếng nước. Em cho biết mỗi lần bơm nước vào đều phải vừa lấy nước sông vừa lấy nước giếng khoan để pha vào cho nước giảm độ mặn còn 3 đến 4 phần ngàn, đây là độ mặn thích hợp cho cá phát triển. Theo em Sơn Nhứt: “Cá lóc không chịu được độ mặn cao, nếu cá sống trong môi trường độ mặn cao lâu ngày sẽ bị nổ mắt, chậm phát triển, dẫn đến chất lượng cá thương phẩm không đạt”.

Còn 5 ao nuôi cá lóc với diện tích gần 3 ha do anh Huỳnh Công Đắc trông coi thì đã khoan 4 giếng với độ sâu 100 đến 110 mét. Anh Đắc cho biết: “Trong quá trình nuôi, mỗi ngày tôi đều thêm từ 1 đến 2 tấc nước vào ao, nhưng nước lấy từ sông vào thường có độ mặn cao nên tôi phải bơm thêm nguồn nước ngầm để pha cho loảng nước và giữ cho độ mặn khoảng 4‰ thì cá phát triển mới tốt và đạt kích cỡ đồng đều”.

Tính đến nay, thị xã Vĩnh Châu đã có gần 90 ha nuôi cá lóc, ngoài phường Khánh Hòa có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất thì còn rải rác ở xã Hòa Đông, Vĩnh Hiệp và Phường 1. Vì hiệu quả mang lại ở những năm trước mà người dân ồ ạt nuôi và diện tích bắt đầu tăng mạnh từ cuối năm 2015 cho đến đầu năm nay. Nếu cá lóc ở những năm trước do ít hộ nuôi, giá lên đến 50 ngàn đến 60 ngàn đồng 1kg, thì đợt thu hoạch cá vừa qua, giá cá lóc bắt đầu rớt mạnh có lúc chỉ còn 25 ngàn đồng 1kg, các hộ nuôi lỗ nặng. Tuy chi phí đầu tư cao nhưng rủi ro ít hơn con tôm và lợi nhuận mà cá lóc mang lại cũng không nhỏ, 1 ha lên đến vài trăm triệu đồng, nên dù lỗ vốn nhưng các hộ nuôi vẫn tranh thủ thả giống ở những tháng cuối năm.


Tình trạng khai thác nước ngầm nuôi cá lóc ở Vĩnh Châu.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Vĩnh Châu, trong chuyến đi khảo sát vừa qua đã phát hiện 56 trường hợp khai thác nước ngầm để nuôi cá lóc với gần 90 giếng khoan. Việc khai thác nước ngầm không theo quy hoạch đã ảnh hưởng đến tài nguyên nước ngầm và các hộ sản xuất lân cận. Ông Châu Hoàng Ân ở ấp Đặng Văn Đông, xã Vĩnh Hiệp, cho biết: “Từ khi có phong trào khoan cây nước để nuôi cá lóc thì nguồn nước ngầm dần bị ít đi, ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và trồng màu của người dân, thậm chí nhiều khu vực không có nước để bơm”.

Đặc biệt là nước thải từ những ao nuôi cá lóc thải trực tiếp ra sông không qua xử lý gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Bởi nuôi cá lóc phải thường xuyên thay nước và nếu diện tích nuôi cá lóc ở Vĩnh Châu tiếp tục tăng thì tình trạng ô nhiễm xảy ra là khó tránh khỏi. Ông Bùi Như Ý, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, cho biết: “Hiện nay cái khó của chúng tôi là không xác định được lưu lượng khai thác của người sử dụng nước ngầm, nên không thể đề xuất ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính, cũng như những biện pháp để khắc phục hậu quả của trình trạng thai thác nước ngầm quá lưu lượng cho phép”.

Trước thực trạng về môi trường này, điều cần nhất là việc khẳng định từ phía Ngành Nông nghiệp về hiệu quả cũng như mô hình nuôi cá lóc có phù hợp ở vùng nước mặn Vĩnh Châu, để từ đó có những giải pháp phù hợp bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên nước ngầm đang sụt giảm nghiêm trọng ở Vĩnh Châu./.

Kim Sang Đài TH Sóc Trăng, 29/07/2016