Bảo hiểm cá tra chưa hấp dẫn người nuôi
Trong khi người nuôi cá tra tại Trà Vinh đang gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu cao, lãi suất ngân hàng ở mức rất cao, giá cá tra nguyên liệu không ổn định, thị trường xuất khẩu cá tra đang suy thoái, nhiều hộ kinh doanh thua lỗ, nhưng chính sách bảo hiểm cá tra lại không thu hút được các hộ nuôi do những bất cập trong chính sách.
Toàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp và 137 hộ nông dân nuôi cá tra trên diện tích 128ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần. Tuy nhiên từ khi triển khai chương trình thí điểm bảo hiểm cá tra đến nay toàn tỉnh trà Vinh chỉ mới ký hợp được hợp đồng bảo hiểm với 13 hộ, tổng diện tích 5,19ha, tổng số tiền bảo hiểm 56,6 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm là 2,1 tỷ đồng; trong đó người tham gia bảo hiểm là 864,6 triệu đồng, phần còn lại do ngân sách Nhà nước hỗ trợ chiếm 1,2 tỷ đồng. Nhiều nhất là huyện Tiểu Cần có 12 hộ tham gia bảo hiểm, với diện tích 4,96 ha, số tiền bảo hiểm là 50,4 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 1,9 tỷ đồng. Huyện Châu Thành có một hộ tham gia bảo hiểm với diện tích 0,5ha, số tiền bảo hiểm 6,1 tỷ đồng, phí bảo hiểm 236 triệu.
Theo Sở Nông nghiệp &PTNN tỉnh Trà Vinh, do tiêu chí chọn vùng nuôi, quy trình nuôi, công tác thống kê, kiểm dịch giống… còn nhiều bất cập nên công tác triển khai còn nhiều khó khăn, số hộ tham gia bảo hiểm đạt tỷ lệ thấp (13/108 hộ). Mặt khác, các hộ nuôi cá tra đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn về tài chính, trong khi đó mức phí đóng bảo hiểm rất cao – khoảng 47 triệu/1000m 2 , định mức hỗ trợ 60% đối với hộ dân và 20% đối với doanh nghiệp nên người nuôi và đặc biệt là doanh nghiệp còn cân nhắc và tính toán trước khi tham gia bảo hiểm. Vì là chương trình thí điểm, tỷ lệ khấu trừ bồi thường quá cao (30%/ tổng số tiền bồi thường) và tỷ lệ hao hụt phải trên 30% mới nằm trong phạm vi bảo hiểm nên các hộ nuôi cá tra cũng tham gia với mức độ “thí điểm”. Bảo hiểm cũng chỉ bồi thường đối với cá tra bị bệnh gan thận mủ nên người nuôi không hài lòng vì thực tế cá tra còn nhiều bệnh phổ biến khác như xuất huyết, gan trắng, trắng mang…
Theo bà Thạch Thị Đông, một nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Hùng (huyện Tiểu Cần), khi xảy ra thiệt hại, khó xác định được bệnh cá là những bệnh gì, công tác xét nghiệm xác định nguyên nhân các chết cũng sẽ gặp nhiều rắc rối, đề nghị ngành bảo hiểm nên bảo hiểm khi người nuôi cá bị thiệt hại do cá chết. Mức đóng bảo hiểm như hiện nay là quá cao so với năng lực tài chính của nông dân, trong khi mức đền bù quá thấp, đề nghị tăng mức đền bù lên 80%, có như vậy người dân mới dám tham gia bảo hiểm.
Nhiều nông dân khác cũng tỏ ra băn khoăn với quy trình thủ tục khi tiến hành tham gia bảo hiểm. Đặc biệt với tập quán lâu đời của nông dân, việc mua thức ăn và các chi phí trong quá trình nuôi, nông dân chưa bao giờ lấy hóa đơn chứng từ, trên thực tế người nuôi cũng khó có thể lấy hết các loại hóa đơn chứng từ cho tất cả các chi phí trong quá trình nuôi, trong khi bảo hiểm chỉ tiến hành đền bù khi có đầy đủ hóa đơn. Ngoài ra, nông dân cũng cho rằng thả cá đến ngày thứ 10 mới được bảo hiểm, trong khi người nuôi lo lắng cá có thể chết do sốc nước trong 1 – 3 ngày đầu thả nuôi, nhưng nếu chết trong giai đoạn này thì không được bảo hiểm. Đây chính là những trở ngại lớn đối với nông dân khi tham gia bảo hiểm.
Tại buổi làm việc chiều 22/5 với Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà về kiểm tra công tác thí điểm bảo hiểm cá tra tại Trà Vinh, ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị cần bổ sung con tôm sú vào đối tượng bảo hiểm vì diện tích nuôi trồng và quy mô nuôi tôm sú tại Trà Vinh rất lớn, đây là con nuôi chính của tỉnh, nguy cơ rủi ro cũng khá cao, nếu bảo hiểm tôm sú sẽ giúp người dân yên tâm hơn. Đối với bảo hiểm cá tra, ngành nông nghiệp kiến nghị cần mở rộng thời hạn bảo hiểm đối với cá tra thêm tháng thứ 7, 8 trong vụ nuôi và bổ sung các bệnh như trắng mang, xuất huyết, gan trắng vào danh mục các bệnh được bảo hiểm đối với cá tra. Bộ Tài chính cũng cần kiến nghị tăng mức hỗ trợ bảo hiểm đối với các tổ chức nuôi cá từ mức 20% lên 40- 50%.
Ông Lâm Thanh Cảnh, Giám đốc công ty Bảo Minh Trà Vinh cũng cho rằng, những phản ánh của nông dân là chính xác và hợp lý, chương trình thí điểm chủ yếu là phục vụ cho người dân, nên bổ sung các loại bệnh thường gặp khi nuôi cá theo như kiến nghị của nông dân. Nhiều trường hợp đi kiểm tra thực tế thấy cá chết trắng hồ nhưng khi xét nghiệm, xác định nguyên nhân chết, không nằm trong phạm vi bảo hiểm, thấy rất áy náy, vì rõ ràng đây là thiệt hại, rủi ro đối với người nuôi.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận những kết quả ban đầu trong công tác triển khai thí điểm bảo hiểm cá tra. Về các nội dung kiến nghị, thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng đây là những ý kiến rất xác thực, cụ thể và khách quan và sẽ có kiến nghị lên các Bộ, ngành liên quan. Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần triển khai vận động đến người dân các huyện, các xã nhằm mục đích mở rộng phạm vi, đối tượng được bảo hiểm để có những đánh giá chính xác hơn trong công tác thí điểm./.