TIN THỦY SẢN

Bảo quản hải sản bằng hệ thống lạnh thấm: Tiết kiệm hàng ngàn cây đá mỗi chuyến biển

Cấu tạo bên ngoài của hệ thống lạnh thấm. Trần Ân Phong

Vừa qua Công ty Việt Đức ở TP. Hồ Chí Minh đã sản xuất hệ thống lạnh thấm. Đây là hệ thống có khả năng giúp cho các hầm chứa sản phẩm khai thác thủy sản luôn duy trì ở mức nhiệt từ -4 độ C đến 0 độ C, nâng cao hiệu quả bảo quản và tiết kiệm được cả nghìn cây đá cho mỗi chuyến biển.

Tại Diễn đàn về khuyến nông với chuyên đề ứng dụng các thiết bị trên tàu đánh bắt hải sản xa bờ (tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa vào ngày 28-12-2012), sản phẩm Hệ thống lạnh thấm của Công ty Việt Đức đã thuyết phục được các chuyên gia khó tính có mặt tại diễn đàn vệ hiệu quả của nó. Hệ thống này cấu tạo gọn nhẹ và phù hợp với điều kiện sóng gió khắc nghiệt trên biển. Hệ thống bao gồm 1 máy nén chính công suất 20 HP line sử dụng lực từ máy đèn hoặc động cơ chính (thông qua dây cuaroa). Qua hệ thống bình ngưng tụ, hệ thống van điều chỉnh, hơi lạnh được dẫn vào hầm chứa bằng ống đồng. Hệ thống ống này lắp đặt xung quanh thân và đáy của hầm, giúp tỏa hơi lạnh đều trong hầm truyền qua các lớp đá trong hầm. Các ống đồng dẫn hơi lạnh được bảo vệ bằng nhôm dày 0,7 mm ốp sát thân tàu, không chiếm diện tích và không cản trở các hoạt động nhập xuất sản phẩm trong hầm.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty Việt Đức cho biết, hệ thống lạnh thấm đã được sử dụng trên một tàu khai thác của tỉnh Kiên Giang. Kết quả cho thấy, sau mỗi chuyến biển (từ 30 - 35 ngày) chất lượng cá được duy trì gần như nguyên vẹn “Hiện tượng cá bể ruột, mực bị tróc da như trước kia không còn nữa”, ông Đức nhận định. Hệ thống lạnh thấm còn giúp tiết kiệm hàng ngàn cây nước đá. Thông thường mỗi chuyến biển tàu cá phải mang theo đến 2.500 cây đá. Tuy nhiên với hệ thống lạnh thấm, chỉ cần mang theo khoảng 1.400 cây đá vẫn có thể đủ duy trì nhiệt độ từ -4 độ C đến 0 độ C suốt chuyến biển cho hầm bảo quản.

Xét về hiệu quả, hệ thống lạnh thấm là một bước tiến kỹ thuật quan trọng trong bảo quản sản phẩm cho các tàu khai thác xa bờ. Bởi theo bảo quản lạnh truyền thống (chỉ bằng nước đá lạnh) nhiệt độ trong hầm bảo quản tối ưu chỉ đạt 5 độ C trong giai đoạn đầu (giai đoạn đá chưa tan), về sau khi nội nhiệt từ động vật thủy sản sinh ra sẽ gia tăng nhiệt độ trong hầm làm cho nước đá tan nhanh hơn, cứ như thế… sản phẩm phân hủy nhanh hơn. “Khi sản phẩm xuống loại (phân hủy) giá trị rất thấp ngoài ra trọng lượng hao hụt đến hơn 10% so với khi còn tươi nguyên. Tuy nhiên nhiều ngư dân chưa nhận biết sự thất thoát này”, một cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN nói.

Được biết, mô hình HTLT trên được Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá cao và bắt đầu đưa vào kế hoạch chuyển giao kỹ thuật trên toàn quốc trong năm 2013. Ngoài ra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đưa sản phẩm trên vào danh sách “Các tổ chức, cá nhân sản xuất máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách theo điều 1, điều 2 của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản”. Cụ thể, ngư dân vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước được nhà nước hỗ trợ lãi suất 100% trong vòng 2 năm đầu và từ năm thừ 3 là hỗ trợ 50% lãi suất.

Hiện nay Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo cho Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư xây dựng kế hoạch chuyển giao kỹ thuật mô hình này. Theo ông Thân Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho biết, hiện nay Trung tâm đã có kế hoạch và sẽ thực hiện mô hình trên trong năm 2013.

Trần Ân Phong báo Bà Rịa - Vũng Tàu