Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm nước lợ: Cần cộng đồng trách nhiệm
Hiệu quả kinh tế mà nghề nuôi tôm nước lợ mang lại là rất lớn, nhưng những tác động của nó đến môi trường cũng không phải nhỏ, đặc biệt là nước thải tại các cụm ao nuôi. Giải quyết triệt để vấn đề này là một "bài toán" khó...
Người nuôi phớt lờ
Vùng nước lợ cạnh chợ xã Bình Châu (Bình Sơn) từng là cánh đồng nuôi tôm rất hiệu quả. Nhưng chỉ sau vài vụ nuôi, nước không còn “lợ” mà trở nên hôi thối, sẫm màu, khiến tôm nuôi đổ bệnh đồng loạt, chết phơi xác trước sự bất lực của chủ hồ. Nguyên do là hằng ngày, mỗi hécta nuôi tôm thải trực tiếp ra biển hàng nghìn mét khối nước thải và hơn 5 tấn chất thải các loại, trong đó phần lớn là các chất hữu cơ hòa tan.
Điều này đồng nghĩa với nguồn nước dẫn vào hồ nuôi tôm cũng chẳng còn “không màu, không mùi” như trước. Từ đó cánh đồng nuôi tôm này trở thành "hồ" chứa rác thải khổng lồ ven chợ. Nhiều năm nay, chính quyền xã Bình Châu cũng bất lực trong việc xử lý hoàn trả nguyên trạng môi trường cho khu vực này.
Đó là chuyện quá khứ, còn hiện tại, hầu hết các cụm hồ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng đang lặp lại "vết xe đổ" như ở xã Bình Châu. Điều này khiến dịch bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra và không có dấu hiệu suy giảm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có đến 62/380ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh.
Cho rằng thủ phạm gây bệnh cho tôm là nước biển bị ô nhiễm, nên người nuôi tôm đã không dẫn trực tiếp nguồn nước này vào hồ như trước, mà đầu tư đóng giếng cách bờ biển 5 – 15m. Song, theo đánh giá của ngành chuyên môn, sự "cải tiến" này sẽ gây ra những hiểm họa khôn lường về môi trường cho tương lai.
Chính quyền bảo khó
Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm nước lợ không dừng lại ở việc xử lý nước thải, chất thải mà nó phải được thực hiện trong suốt quá trình nuôi. Theo lý giải của ông Võ Anh Tuấn - Quản lý kỹ thuật Công ty TNHH MTV SXTM&DV Quảng Ngãi thì, ngoài vỏ tôm, cặn thức ăn, nước thải, chất thải trong nuôi tôm phần lớn là các chất hữu cơ hòa tan.
Điều này có nghĩa, “chất lượng” nước thải phụ thuộc rất lớn vào mật độ có mặt của những chất này, đặc biệt là các chất hữu cơ hòa tan vốn là nguyên nhân khiến vi sinh vật gây bệnh phát triển quá mức. Song, với cách nuôi “ao đất, dùng hóa chất BKC suốt quá trình nuôi, xả thải liên tục” như hiện nay thì hàm lượng chất hữu cơ hòa tan có trong nước thải ngày càng đậm đặc, mức độ ô nhiễm môi trường vì thế cũng gia tăng.
Khác với kiểu nuôi tôm “ăn xổi” như thế, hai năm trở lại đây, Công ty TNHH MTV SXTM&DV Quảng Ngãi tiên phong ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình nuôi tôm cũng như xử lý nước thải. Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng, bê tông toàn bộ 5,4ha hồ nuôi, xử lý nước đáy hồ bằng men vi sinh, thay vì hóa chất BKC, đơn vị này còn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo mô hình “lọc dần” gồm 4 hồ chứa với diện tích 1ha. Tuy vẫn sử dụng nước bề mặt biển với độ mặn 30 – 32 phần nghìn trong suốt quá trình nuôi tôm, nhưng kết quả tôm phát triển khá tốt, trọng lượng đạt đến 40 con/kg.
Theo Chi cục Thủy sản, hướng sản xuất của Công ty TNHH MTV SXTM&DV Quảng Ngãi thật sự hiệu quả, lại đảm bảo an toàn môi trường. Song, để áp dụng cho các cụm hồ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh là điều không dễ. Bởi nếu xây dựng bể lắng hoặc hồ xử lý nước thải, chủ hồ phải “chia sẻ” một phần diện tích đất; mà điều này thì phần lớn chủ hồ đều không chấp nhận, vì quỹ đất nuôi tôm eo hẹp. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm và xử lý nước thải cần nguồn vốn đầu tư hạ tầng lớn, kỹ thuật sản xuất cao, trong khi phần lớn người nuôi tôm trong tỉnh nuôi theo kiểu “được chăng hay chớ”, nên không mạnh dạn đầu tư.
Ngoài ra, dù các chủ hồ đã cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm, nhưng thực tế ngành chuyên môn rất khó kiểm soát được vấn đề này. Lý do muôn thuở vẫn là nguồn lực hạn hẹp, việc sản xuất thì manh mún và nhỏ lẻ; rồi không có chế tài ràng buộc đối với các chủ hồ khi mà họ liên tục thay đổi địa điểm nuôi tôm. Vì vậy, việc xử lý cũng chỉ ở mức “giơ cao đánh khẽ”, chưa đủ sức răn đe đối với những chủ hồ cố tình vi phạm.
Để nghề nuôi tôm nước lợ an toàn, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả cao và bền vững cần thiết phải đầu tư hoàn thiện hạ tầng và hệ thống ao nuôi theo đúng quy chuẩn. Muốn làm được điều này phải có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân.
“Cần sớm đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm”
Nuôi tôm nước lợ của người dân ở ven biển ngày càng khó khăn do môi trường nước bị ô nhiễm. Vì vậy, tôi mong Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo nhu cầu về nguồn nước phục vụ nuôi tôm trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng môi trường nước, nhằm thông tin kịp thời cho người nuôi tôm chúng tôi có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Ông LÊ TẤN CHỜ - nông dân thôn Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh (Bình Sơn).
Phải nghiên cứu, đánh giá kỹ môi trường nuôi tôm nước lợ
Bà Đỗ Thị Thu Đông
Đó là ý kiến của bà Đỗ Thị Thu Đông- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản trước thực trạng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hiện nay.
PV: Nguyên tắc và ưu điểm của phương pháp sinh học trong xử lý nước thải tại các cụm ao nuôi tôm là gì, thưa bà?
Bà ĐỖ THỊ THU ĐÔNG: Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đang nhận được sự quan tâm của nhiều người vì chi phí thấp, thân thiện với môi trường mà hiệu quả cao. Nguyên tắc của phương pháp này là dựa trên hoạt động của các vi sinh vật có lợi để phân hủy các chất hữu cơ hòa tan có trong nước thải (protein, lipid, glucid), các chất vô cơ (sunfit, amonnia...) tạo ra trong quá trình nuôi tôm. Ngoài ra, phương pháp sinh học còn kiểm soát sự phát triển quá mức của vi sinh vật gây bệnh nên môi trường luôn được giữ ở trạng thái cân bằng sinh học. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho hồ cỡ nhỏ của các hộ riêng lẻ, khó có thể áp dụng cho các cụm hạ tầng vùng nuôi không đảm bảo. Hơn nữa, phương pháp sinh học cũng chưa có quy trình cụ thể, nên rất khó cho người dân khi áp dụng.
PV: Vậy đối với khu vực nuôi tôm nước lợ trong tỉnh, Chi cục Thủy sản đã có giải pháp gì để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường?
Bà ĐỖ THỊ THU ĐÔNG: Việc nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh phần lớn do người dân tự phát, nên họ chỉ quan tâm đến “sức khỏe” con tôm, còn những vấn đề khác thì họ không bận tâm. Thậm chí, nhiều hộ còn cho rằng, biển lớn nên nước thải nuôi tôm xả ra cũng chẳng đáng là bao. Đây chính là nguyên nhân khiến hầu hết các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ các chủ hồ tôm có thể xây dựng các bể lọc nước thải theo nguyên tắc thấm rút qua cát để loại bỏ một phần chất thải. Cách này dễ vận hành và quản lý, lại ít tốn kém, có thể áp dụng cho từng hộ dân ở các cụm ao nuôi. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, môi trường nuôi tôm nước lợ cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể để có những giải pháp xử lý hữu hiệu.
“Xử lý kỹ ao hồ trước khi nuôi”
Bình Sơn có 110ha nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ, tập trung ở các xã Bình Châu, Bình Chánh. Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm vùng nuôi tôm ngày càng nặng, dẫn đến tôm chết hàng loạt, nên đến nay chỉ còn thả nuôi 95ha. Trước tình hình trên, UBND huyện đã có quyết định tiêu hủy toàn bộ số tôm bị dịch bệnh và thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân. Đồng thời, chỉ đạo cho các địa phương và cơ quan chuyên môn rà soát hộ nuôi, khử trùng xử lý ao hồ và kiểm tra đủ điều kiện mới cho tiến hành thả nuôi tôm vụ hai. Riêng một số diện tích không an toàn thì khuyến khích người dân nuôi tôm kết hợp các loại cá, cua... Ông LÝ THỌ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn.