TIN THỦY SẢN

Bảo vệ tôm nuôi vụ chính

Hồ tôm ở Phong Hải đã thả nuôi. Ảnh: HOÀNG TRIỀU Hoàng Triều

Nuôi tôm trên cát ven biển vụ chính bắt đầu xuống giống cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa lũ. Tôm nuôi chính vụ thường trúng lớn, nhưng phải vượt qua thời tiết mưa lũ khắc nghiệt.

Hy vọng vụ chính

Sau khi thu hoạch tôm vụ hè thua lỗ nặng, ông Trương Hoàng ở thôn Hải Thành, xã Phong Hải tiến hành cải tạo ao hồ, thả nuôi vụ mới. “Tui đã trải qua 5 năm nuôi tôm trên cát, chưa bao giờ vụ nuôi cuối năm bị thua lỗ. Một vụ duy nhất hòa vốn, còn lại bốn vụ lãi từ 300-700 triệu đồng/vụ. Vụ tôm nuôi cuối năm thường “gỡ gạc” cho các vụ nuôi thua lỗ”, ông Hoàng hy vọng.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu luôn tin tưởng vụ tôm nuôi cuối năm, bởi trải qua 15 năm đã chứng minh vụ nuôi này thường có đến 80-90% hộ có lãi, nhiều hộ lãi lớn. Vụ này, chính quyền địa phương khuyến khích người dân tập trung đầu tư thả nuôi hết diện tích ao hồ trên địa bàn khoảng 70 ha.

Điều ông Sử lo ngại là tình hình mưa lũ sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của tôm. Địa phương đã khuyến cáo người dân tuân thủ các quy trình kỹ thuật, giống nuôi đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, kích cỡ, trước khi thả phải được kiểm dịch, mật độ thả không vượt quá giới hạn quy định và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh…


Nếu đáp ứng tốt quy trình kỹ thuật, nuôi tôm trên cát sẽ đem lại nguồn thu tốt. Ảnh: HOÀNG LOAN

Dọc theo tuyến đường quốc phòng từ thôn Hải Đông, xã Phong Hải đến cuối xã Điền Hương vào thời điểm này, phần lớn diện tích ao hồ đã được người dân thả nuôi vụ mới. Theo UBND huyện Phong Điền, vùng Ngũ Điền có khoảng 400 ha/800 ha quy hoạch nuôi tôm trên cát đã được khai thác. Đến ngày 10/9, có khoảng 300 ha ao hồ đã được người dân và các công ty thả giống nuôi vụ chính.

Ứng phó mưa lũ

Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền khuyến cáo, dù vụ chính thường “thắng lợi” nhưng yêu cầu các địa phương, các hộ nuôi không nên chủ quan, cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện kỹ thuật nuôi an toàn, hạn chế tối đa dịch bệnh. Ngay từ đầu vụ, Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ kỹ thuật về tận cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các quy trình, biện pháp kỹ thuật nuôi an toàn, xử lý dịch bệnh cho người dân.

Ông Phạm Phú ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải cho rằng, thời tiết vào thời điểm cuối năm thường mát mẻ là điều kiện thuận lợi cho tôm trên cát phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, mưa lũ kéo dài làm môi trường nước trong ao nuôi thay đổi, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì nguy cơ tôm chết, hoặc xảy ra dịch bệnh rất cao.

Biện pháp mà ông Phú thường áp dụng để ứng phó mưa lũ là chuẩn bị sẵn nguồn nước trong ao lắng đã qua xử lý môi trường. Khi lượng mưa lớn, kéo dài khiến độ mặn và các yếu tố môi trường thay đổi sẽ điều tiết nước trong ao ra ngoài, đồng thời đưa nước từ ao lắng vào. Mùa mưa lũ có thể kèm theo bão, ông Phú còn quan tâm đến việc gia cố bờ bao, ao nuôi vững chắc, gia cố cống lấy nước tránh bị hư hỏng.

Theo kinh nghiệm của ông Võ Thơ ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải, nuôi tôm trên cát cũng như tôm nước lợ cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước, trong và sau mưa lũ để có biện pháp xử lý kịp thời. Các hộ nuôi tôm phải có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, chuẩn bị sẵn nguồn nước mặn để hòa vào ao hồ khi có mưa lớn làm giảm độ mặn, độ pH…

Đối với các vùng, ao nuôi có hiện tượng chua phèn phải rắc vôi quanh bờ phòng nước phèn trôi xuống ao làm biến động độ pH. Máy phát điện, sục khí phải chuẩn bị sẵn sàng, nhất là máy phát điện đề phòng khi điện lưới bị mất. Với tôm nuôi chân trắng trên cát, mật độ thả rất cao nên đòi hỏi hàm lượng ô xi đầy đủ, máy sục khí phải hoạt động liên tục.

Trong điều kiện mưa lạnh kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, tôm thường hạn chế khả năng bắt mồi, hấp thụ thức ăn nên theo ông Thơ, các hộ nuôi cần có sự điều chỉnh, giảm lượng thức ăn phù hợp nhằm tránh dư thừa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tạo khí độc trong ao nuôi. Thông thường nhiệt độ trong ao giảm xuống ở mức từ 18-22oC thì giảm lượng thức ăn khoảng 20-30% so với bình thường.

Hoàng Triều Báo Thừa Thiên Huế