TIN THỦY SẢN

Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, góp phần tạo sinh kế cho người dân

Rừng ngập mặn tại Bình Định đang được bảo vệ và phát triển ngày càng bền vững. Ảnh: NTN NTN

Bình Định có hai đầm nước lợ diện tích tương đối lớn là đầm Thị Nại (5.060 ha) và đầm Đề Gi (1.600 ha).

Trước năm 1975, diện tích rừng ngập mặn 02 đầm này lên tới trên 1.000 ha. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản và quá trình đô thị hóa làm cho diện tích rừng ngập mặn ngày càng suy giảm nghiêm trọng, kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường sinh thái, thiên tai, xâm nhập mặn, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản,...

Năm 2022, tỉnh Bình Định tích cực triển khai công chăm sóc, bảo vệ 6,5 ha rừng ngập mặn được triển khai trồng từ năm 2018, trong đó tại Nhơn Bình 1,5 ha và Phước Sơn 05 ha; giao khoán tổ chức  bảo vệ 81,61 ha rừng trồng thuộc đầm Thị Nại và đầm Đề Gi; trồng 2.100 cây đước tại khu vực Cồn Trạng, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước thuộc Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại, kết hợp khảo nghiệm ươm thử nghiệm 6.000 cây giống mắm biển để phục vụ cho công tác trồng rừng ngập mặn.

Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và các lớp tập huấn kỹ thuật góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

Riêng trong năm 2023, Bình Định đã tổ chức triển khai thực hiện 05 lớp tập huấn truyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn cho hơn 150 lượt người dân của các xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), Cát Khánh (huyện Phù Cát), Phước Thuận, Phước Sơn và Phước Hòa (huyện Tuy Phước).

Thông qua các lớp tập huấn sẽ giúp cho các hộ dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, tác động của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc ổn định môi trường, tạo cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu; lợi ích thiết thực và lâu dài mà hệ sinh thái rừng ngập mặn mang lại cho con người (bảo vệ bờ đê, các công trình thủy lợi, xây dựng, ngăn mặn, tạo sinh kế).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng ngặp mặn ở các địa phương ven biển trong tỉnh. Dự án tập trung khôi phục, trồng mới và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại thành phố Quy Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ; giao khoán bảo vệ, chăm sóc và trồng mới với diện tích khoảng 258,25 ha, trồng mới 7.300 cây ngập mặn phân tán dọc các khu vực bãi triều ven đầm và các ao hồ nuôi trồng thủy sản.

Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc biệt ở vùng cửa sông, ven biển, nơi cưu trú và phát triển đa dạng sinh học của các quần thể sinh vật. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định môi trường, ứng phó với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, hạn chế tác hại của hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng, bảo vệ hệ thống đê khu vực đầm, các công trình ven biển và vùng cửa sông trước sự tàn phá của sóng biển, bão tố. Vì vậy, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là nhiệm vụ hết sức cấp bách và cần thiết góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn là nội dung ưu tiên của tỉnh cũng như của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng; đồng thời ngăn chặn các hoạt động xâm hại rừng trồng như khai thác thủy sản, khai thác cát… 

NTN