TIN THỦY SẢN

Bất cập nuôi tôm VietGAP - Bài 1: Vụ nuôi thất bát

Mô hình nuôi tôm VietGAP ở xã Tam Phú.Ảnh: V.NGUYỄN Việt Nguyễn

Áp dụng VietGAP trong nuôi tôm nước lợ được UBND TP.Tam Kỳ triển khai thí điểm với kỳ vọng mở ra hướng phát triển bền vững cho nghề này. Tuy nhiên, thực tế triển khai từ năm 2017 đến nay lại bộc lộ quá nhiều bất cập.

Tôm chết hàng loạt

Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, nghề nuôi tôm nước lợ giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên thời gian qua nghề này rất bấp bênh. Tìm hướng giải quyết các vấn đề nêu trên, UBND TP.Tam Kỳ đã đề xuất và được UBND tỉnh thông qua triển khai đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP. Đề tài đã được triển khai ở cánh đồng nuôi tôm thuộc thôn Phú Quý (xã Tam Phú) trên tổng diện tích 2ha, với sự tham gia của 2 nông hộ là Nguyễn Hồng Vân và Ninh Đức Chính, bắt đầu từ tháng 3.2017, dự kiến kết thúc vào tháng 1.2019 sau khi triển khai 2 vụ nuôi thử nghiệm. Nguồn vốn thực hiện đề tài hơn 3,6 tỷ đồng, gồm hơn 1,2 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ của tỉnh, 700 triệu đồng đối ứng của TP.Tam Kỳ và gần 1,7 tỷ đồng từ các nguồn vốn huy động khác. Cơ quan chủ trì đề tài là Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT) chủ nhiệm đề tài, 2 thư ký đề tài là ông Đặng Vĩnh Thạch - chuyên viên Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ và Mạc Văn Thắng - cán bộ Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ. Đề tài nuôi tôm VietGAP được triển khai với nhiều nội dung như đánh giá kết quả của quy trình nuôi tôm VietGAP; xác định khả năng nhân rộng tại các địa phương khác trên địa bàn TP.Tam Kỳ; xây dựng mô hình và hồ sơ nuôi tôm VietGAP; xây dựng tài liệu, hội thảo, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học.

Từ tháng 3.2017, UBND TP.Tam Kỳ thông báo triển khai nuôi tôm VietGAP đến xã Tam Phú, tổ chức họp dân, lựa chọn các nông hộ đáp ứng điều kiện để triển khai nuôi tôm. Các công trình điện và hạ tầng phục vụ nuôi tôm được đầu tư. Với quỹ đất 2ha, mô hình gồm 1 ao chứa lắng chung, 2 ao xử lý nước thải chung và 6 ao nuôi tôm thương phẩm chia đều cho 2 hộ nuôi. Ông Nguyễn Hồng Vân (thôn Phú Quý, xã Tam Phú) tham gia triển khai mô hình trên tổng diện tích 1ha với 3 ao nuôi tôm. “Tham gia nuôi tôm VietGAP, tôi và anh Ninh Đức Chính tự bỏ tiền túi ra để mua bạt về lót trên các ao, đến tháng 6.2.2017 thì triển khai nuôi tôm thương phẩm. Chúng tôi mua tôm giống ở Ninh Thuận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch của công ty có uy tín và đem về nuôi và chăm sóc tôm kỹ càng. Thế nhưng không may là vụ nuôi thất bát” - anh Vân nói.

Theo các hộ nuôi tôm, mô hình được triển khai gần 2 tháng thì tôm nuôi chết hàng loạt. “Chúng tôi đã thông báo đến ngành chức năng về tình trạng tôm nuôi vật vờ vào bờ, kém hoạt động. Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ có đến lấy mẫu tôm, mẫu nước để đi kiểm tra, xét nghiệm các yếu tố mầm bệnh nhưng khi chưa kết luận được gì thì tôm chết trắng vì không thể nào xử lý, ứng phó kịp” - ông Vân cho biết. Tôm chết, ông Vân mất hơn 100 triệu đồng đầu tư cho ao tôm. Điều đáng nói là đến khi kết thúc vụ nuôi tôm, nguyên nhân thực sự khiến tôm chết là bệnh gì tấn công vẫn chưa thể xác định rõ ràng. “Sau khi xét nghiệm các mẫu nước, mẫu tôm bị bệnh, khi thì ngành chức năng bảo là tôm chết vì bệnh đường ruột, khi thì bảo là tôm bị bệnh đốm trắng tấn công, có khi lại bảo không rõ nguyên nhân gây tôm chết” - ông Vân nói thêm. Còn ông Ninh Đức Chính triển khai nuôi tôm VietGAP trên diện tích 1ha, nói với vẻ tiếc nuối khi tham gia mô hình: “Cơ quan chủ trì đề tài mà không xác định rõ nguyên nhân tôm chết vì bệnh chi thì làm sao chúng tôi có thể yên tâm được. Mất mát tiền của, thời gian đầu tư là chuyện đã rồi, tôi băn khoăn không biết sẽ thế nào khi đầu tư nuôi tôm ở vụ tiếp theo”.

Thay cán bộ phụ trách

Sau khi tôm nuôi theo mô hình VietGAP chết hàng loạt, nhiều cán bộ chủ chốt từ chối phụ trách đề tài. Bà Hoàng Thị Kim Yến - chủ nhiệm đề tài xin nghỉ với lý do là công việc ở Chi cục Chăn nuôi & thú y quá nhiều, không thể tiếp tục tham gia đề tài. Thư ký của đề tài là ông Đặng Vĩnh Thạch cũng đã gửi đơn xin nghỉ việc đến Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ và “chia tay” với mô hình đã gắn bó suốt 1 vụ nuôi tôm. Ông Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, việc từ chối phụ trách của chủ nhiệm và thư ký đề tài là điều bình thường. “Ngày 1.3.2018, chúng tôi bắt tay vào việc triển khai vụ nuôi tôm tiếp theo sau thất bát của vụ đã qua thì chị Hoàng Thị Kim Yến đã gửi đơn đến Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ xin nghỉ vì cho rằng, công việc ở cơ quan quá bận rộn sẽ khiến cho đề tài bị triển khai chậm trễ. Còn trường hợp của anh Đặng Vĩnh Thạch thì là vì chuyên viên chưa được biên chế, chưa chắc chắn vị trí công việc nên anh xin nghỉ để ra ngoài làm công việc riêng” - ông Huy nói.

Trao đổi với chúng tôi về quá trình tham gia làm chủ nhiệm đề tài nuôi tôm VietGAP ở TP.Tam Kỳ, bà Hoàng Thị Kim Yến cho rằng, việc này dích dắc nhiều lắm. “Tôi đã thôi làm chủ nhiệm đề tài này rồi, phóng viên muốn biết rõ thì đến hỏi ở Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ” - bà Yến nói. Sau khi khuyết vị trí chủ nhiệm đề tài, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ đã giao ông Bùi Ngọc Huy phụ trách. “Tôi tiếp nhận vị trí chủ nhiệm đề tài từ ngày 19.3.2018 để tiếp tục duy trì nuôi tôm VietGAP theo đề tài đã phê duyệt. Do thời gian tiếp xúc với công việc còn chưa được nhiều nên phải tập trung tìm hiểu để xử lý công việc tốt hơn” - ông Huy cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Huy nhận chủ nhiệm đề tài vào ngày 19.3 trong khi vụ nuôi tôm thứ 2 của đề tài triển khai ngay thời điểm này. Việc thay người có phần “cập rập” này ít nhiều gây khó khăn trong quá trình triển khai mô hình nuôi tôm VietGAP ở Tam Kỳ.

Việt Nguyễn Báo Quảng Nam