TIN THỦY SẢN

Bắt đầu đền tiền cho 33 hộ dân vụ kiện cá chết

Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương chi tiền hỗ trợ cho các hộ dân tại TAND TP Vũng Tàu vào ngày 8-7 Bài và ảnh: Ngọc Giang

Ngày 8-7, TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành phiên hòa giải thứ hai trong vụ kiện giữa 33 hộ dân nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn và 14 doanh nghiệp xả thải trên sông Chà Và.

Tại phiên hòa giải lần này, các hộ dân sẽ lần lượt thương lượng với từng doanh nghiệp về mức đền bù thiệt hại.

Sau phiên hòa giải lần thứ nhất, các hộ dân nuôi cá đã thống nhất sẽ yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường 76% số tiền thiệt hại theo mức độ đóng góp ô nhiễm mà Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM) đã báo cáo. Theo đó, thay vì trước đây yêu cầu bồi thường 18,1 tỉ đồng thì nay, các hộ dân yêu cầu bồi thường 13,8 tỉ đồng.

Với phiên hòa giải buổi sáng 8-7, 33 hộ dân đã làm việc với Công ty TNHH Nghê Huỳnh nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được mức bồi thường. Chiều cùng ngày, 33 hộ dân tiếp tục làm việc với DNTN Mỹ Sương. Sau khi thỏa thuận xong, hai bên đã thống nhất về số tiền hỗ trợ. Đại diện DNTN Mỹ Sương đã chi trả tiền cho các hộ dân ngay tại TAND TP Vũng Tàu.

DNTN Mỹ Sương là doanh nghiệp có tỉ lệ gây ô nhiễm ít nhất trong số 14 doanh nghiệp xả thải. Theo số liệu thống kê, DNTN Mỹ Sương hỗ trợ số tiền 21 triệu đồng và các hộ dân cũng rút đơn kiện. Trong những ngày tiếp theo, các hộ dân sẽ làm việc với những doanh nghiệp còn lại.

Trước đó, tại phiên hòa giải thứ nhất vào ngày 22-6 ở TAND TP Vũng Tàu, các doanh nghiệp cho rằng cá chết không xuất phát từ hoạt động xả thải mà do nguyên nhân khác.

Đại diện DNTN Phúc Lộc lập luận do trời mưa, lượng ôxy ở trong nước xuống thấp, cá nuôi lồng bè lại không có quy hoạch, nuôi dày đặc nên bị chết. “Tại sao trời nắng thì cá không chết mà cứ mưa là cá mới chết? Tại sao cá tự nhiên không chết mà chỉ cá lồng bè mới chết?” - đại diện DNTN Phúc Lộc đặt vấn đề.

Bổ sung ý kiến của đại diện DNTN Phúc Lộc, luật sư Chu Minh Đức (bảo vệ quyền lợi cho 5 doanh nghiệp) cho rằng hiện tượng gây cá chết không phải do xả thải mà do lượng cá nuôi tăng và phân bố dày đặc, vệ sinh lồng bè không bảo đảm. Ngoài ra, theo luật sư Đức, khi cá chết, cơ quan chức năng cần kiểm tra để xác định nguyên nhân có chất độc hay không?

Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý với quan điểm trên vì họ đã sống bằng nghề nuôi cá từ hàng chục năm nay mà chưa từng xảy ra trường hợp tương tự. “Nguyên nhân là do các doanh nghiệp dồn nước thải vào hồ chứa, chờ mưa thì mở cống thải ra làm cá chết vì ngộp” - đại diện một hộ dân khẳng định.

Thiệt hại nặng nề

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong năm 2015, người dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và chịu thiệt hại nặng nề vì cá chết. Cơ quan chức năng vào cuộc và qua khảo sát đã xác định 14 doanh nghiệp xả thải ra môi trường khiến cá chết, từ đó có báo cáo thiệt hại, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp bồi thường 18,1 tỉ đồng cho người dân. Qua nhiều lần đối thoại không thành, người dân đã làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu được đền bù thiệt hại.

Bài và ảnh: Ngọc Giang Người Lao Động, 08/07/2016