Bến Tre: Một mô hình nuôi tôm sú sạch bệnh thành công
Đến với con tôm sú chỉ được vài vụ nuôi, nhưng ông Nguyễn Văn Lâm ở ấp Thạnh Lại, xã Bình Thạnh (huyện Thạnh Phú) rất “cừ” về quy trình kỹ thuật. Ông đã chế ra một loại thuốc bổ trộn vào thức ăn giúp tăng thêm sức đề kháng để tôm nuôi đủ khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết.
Ông Lâm bên vuông tôm của mình
Ông đã thành công qua nhiều vụ nuôi và thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ông Lâm là một trong 19 nông dân của tỉnh được nhận bằng khen của Trung ương Hội nông dân Việt Nam tại hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần IV-2007 của tỉnh Bến Tre.
Căn nhà ông ở rất bề thế và khá đầy đủ tiện nghi. Bước ra vài mét là vuông tôm được lắp đặt hệ thống quạt đang quay đều, nước tung trắng xoá để tạo sự sảng khoái cho tôm nuôi. Ông cùng người làm di chuyển từng bao thức ăn để chuẩn bị cho tôm ăn cử chiều. Người mồ hôi ướt đẫm nhưng ông Lâm vẫn hăng say với công việc. Tôi nói vui: “Điều kiện chú khá quá sau không thuê thêm người làm để nghỉ ngơi hưởng thụ?” Ông phản ứng nhanh: “Nghề nuôi này kiếm người làm đúng ý mình rất khó, trực tiếp tham gia làm nhưng cái gì cũng chỉ tụi nó mới biết, sao an tâm đứng năm ngón chỉ việc. Vả lại tôi là nông dân tiếp xúc thường xuyên công việc nặng đã quen, không lao động là trong người khó chịu.” “Trước tới giờ chú đã làm những nghề gì?”
Câu hỏi khiến ông Lâm trầm ngâm. Vùng đất Bình Thạnh nói riêng và Thạnh Phú nói chung ai cũng biết trước đây nghèo xơ xác. Mọi người phải vật lộn với miếng cơm manh áo nên làm thuê đa nghề. Nhà ông Lâm có 6 công đất, mỗi năm làm lúa chỉ một vụ, năng suất thu hoạch 8 giạ/công, nhưng lúc được lúc thất mùa. Có lẽ mua bán vật liệu xây dựng là công việc mà ông gắn bó thường xuyên và lâu dài nhất, cho đến bây giờ con ông vẫn tiếp tục làm. Nhà ông không thuận lợi để tập kết vật liệu xây dựng, cho nên trong huyện ai chuẩn bị xây dựng nhà mới thì ông liên hệ và dùng ghe chở về cung cấp. Chính công việc này đã giúp gia đình ông ổn định cuộc sống và có tiền tích lũy.
Ông Lâm bắt đầu gắn bó với con tôm sú từ năm 1998 nhưng chỉ dừng lại ở nuôi quảng canh. Ông nói: “Mang tiếng nuôi chứ mua tôm giống về ném xuống ao rồi phó thác, đâu có tập trung chăm sóc đến nước xổ cống phần lớn là cá, cua thiên nhiên, tôm nuôi còn lại rất ít.” Đến năm 2005, ông thuê thêm 15 công đất liền ranh để đào ao nuôi tôm sú công nghiệp. Vợ ông bàn với ông nên thuê kỹ sư về hỗ trợ kỹ thuật. Bởi chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng nếu thất bại xem như trắng tay. Nhắc đến đây ông đã bắt đầu thể hiện bức xúc: “Mình nông dân nên rất tinh tưởng kỹ sư. Từ ao nuôi đến thức ăn, xử lý các thứ đều làm theo ý ổng (ông kỹ sư – NV).” Mỗi tháng trả lương 1 triệu đồng bao ăn nghỉ và cả card điện thoại di động. Hàng ngày, nhìn ông kỹ sư sử dụng hoá chất để xử lý ao nuôi mà ông xót ruột. Tiền lao động kiếm được khá vất vả sao lại chi tiêu như lá cây vậy?. Ông đã thấm thía câu “đèn nhà ai nấy sáng”. Điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, độ mặn, phèn mỗi nơi mỗi khác. Đằng này, ông kỹ sư cứ kê toa theo công thức sách vở mà bổ. Ông lôi cuốn sổ theo dõi còn lưu lại ra, trong sổ ghi: Vôi đánh xuống ao hàng tấn, 2 hồ nuôi lắp đặt 8 máy nổ, đã tiêu hao 6.800 lít dầu (giá 8.000 đồng/lít). Chính điều này đã thôi thúc ông Lâm tìm đọc sách và xem báo, nghe đài để tự trang bị kiến thức về kỹ thuật nuôi tôm.
Kết thúc vụ nuôi công nghiệp đầu tiên, ông Lâm thu được tổng số tiền là 557 triệu đồng nhưng trừ chi phí các khoảng chỉ còn 140 triệu đồng. Sang vụ nuôi tiếp theo, ông không hợp đồng với kỹ sư nữa mà tự nuôi. Ông trực tiếp phụ trách kỹ thuật, còn 2 lao động ông thuê hỗ trợ theo dõi máy nổ quạt nước và cho tôm ăn. Ông bắt tay ngay vào việc đều chỉnh lại các ao nuôi. Ông thu hẹp diện tích ao lắng lại và nâng diện tích ao nuôi lên 1,5 hécta.
Hàng ngày, ông Lâm đều theo dõi, đo đạt độ Ph, kiềm, canxi và cân đối lượng hoá chất xử lý. Ngay cả việc ăn, nghỉ của tôm ông cũng quan tâm. Mỗi ao nuôi đặt vài cái nhá để theo dõi. Ông cho biết, mỗi khi kéo nhá lên thấy phân không tròn trịa là tôm có dấu hiệu bị tiêu chảy hay phân tôm dài thành dây như có nhớt nhô lên mặt nước là dấu hiệu bệnh phân trắng, các hiện tượng như sâu đuôi, đứt râu cũng là biểu hiện không bình thường phải theo dõi trị bệnh cho tôm.
Và ngay vụ nuôi đầu tiên tự mình làm lấy, ông Lâm đã gặt hái hiệu quả khả quan: thu hoạch được 9 tấn tôm loại 40 con/kg, giá bán trung bình 90.000 đồng/kg, trừ tiền tôm giống, thức ăn cho tôm, và các chi phí khác, ông còn lãi hơn 600 triệu đồng.
Theo lời ông Lâm bộc bạch, việc ông thắng vụ nuôi không phải là may mắn. Trước khi quyết định không thuê kỹ sư ông đã lập ra cho mình một phương án, học hỏi kinh nghiệm, tham gia hội thảo, lắng nghe ý kiến của những người có thâm niên nuôi tôm. 3 ao nuôi được đặt tên rõ ràng và phân công việc cho từng người. Ngay cả đứa con rể đến phụ làm ông cũng trả lương sòng phẳng để tạo tinh thần trách nhiệm. Khi được hỏi kinh nghiệm riêng thì ông cười rất tươi: “Nếu nói bí quyết để trị bệnh đốm trắng thì tôi không dám khẳng định, nhưng cách làm của tôi đã hạn chế được bệnh đốm trắng ở tôm rất nhiều.”
Nói đến đây, ông dẫn tôi xuống thẳng nhà bếp. Ông bóc một nắm tỏi đã lột vỏ và rót dầu ăn từ trong chay ra cho vào cối xay thật mịn. Bếp ga được bật lên để khử tỏi đến vàng rồi cho vào cái nồi. Dầu ăn nổi lên phía trên được lấy ra hết, còn tỏi thì trộn lẫn vào thức ăn. Những hôm thời tiết lạnh, ông tăng cường tỏi trộn vào thức ăn. Ông suy luận: “Tôi nghĩ con người sử dụng tỏi liều lượng thích hợp sẽ ngừa được bệnh cúm, đặc biệt là khi trời lạnh. Tôm cũng thế. Với cách pha chế này, vụ nuôi vừa qua tôm không hề bị bệnh, giảm được lượng hoá chất xử lý.
Hiện nay, ông Lâm vẫn tiếp tục cho bài thuốc của mình vào thức ăn để tăng lực cho tôm. Tôm nuôi tăng trọng nhanh, chứng tỏ ông đang thành công.