TIN THỦY SẢN

Bến Tre phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn

Hình minh họa. Nguồn VietGAP

Bến Tre hiện có 8.500 ha nuôi tôm biển thâm canh, diện tích thả nuôi xoay vòng 10.000 ha, sản lượng đạt khoảng 45.000 tấn. Đến thời điểm này, vụ nuôi năm 2017 đã đi được nửa chặng đường và được nhận định khá thuận lợi. Ngoài tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi giảm, nhiều hộ nuôi cũng đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lên từ 60 – 70 tấn/ha.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã thả hơn 8.000 ha tôm biển thâm canh. Trong đó, các hộ nuôi đã thu hoạch khoảng 5.000 ha, sản lượng đạt 23.700 tấn. Cũng như các năm trước, tôm chân trắng vẫn tiếp tục là đối tượng nuôi chính, chiếm khoảng 7.500 ha. Nổi bật trong nửa đầu vụ nuôi năm 2017 là tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi giảm mạnh, diện tích thiệt hại chỉ khoảng 500 ha, chiếm 5,6 % diện tích thả giống. Tôm chết ở giai đoạn 25-60 ngày tuổi do bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Năm nay, điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho hoạt động nuôi nên năng suất tăng khoảng 25% so với cùng kỳ. 

Không chỉ ở huyện Thạnh Phú, năm 2017, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn được nhân rộng khá nhanh tại nhiều vùng nuôi khác của Bến Tre. Hiện toàn tỉnh có khoảng 280 ha nuôi theo hình thức này. Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn tại Bến Tre.

Theo quy trình nuôi mà công ty thực hiện thì thay vì nuôi ao lớn từ 3.000 m2 –  4.000 m2, nay cải tạo lại còn  khoảng 1.500 m2; ao lắng khoảng 3/4 diện tích khu nuôi; ao nuôi được lắp đặt hố si-phông và hệ thống sục khí; ươm nuôi riêng tôm giống trong khoảng 3 tuần đầu; thả mật độ dày, có thể đạt 300 con/m2; thâm canh liên tục không nghỉ vụ.

Sau thời gian nuôi 90 ngày, tôm có thể đạt size 35 con/kg. Hầu hết các hộ thu đạt từ 5-6 tấn/ao nuôi 1.500m2 và lấy lại chi phí đầu tư ngay vụ đầu tiên, tỷ lệ thành công từ 70% trở lên. Mô hình này rất phù hợp với định hướng của địa phương là phát triển nghề nuôi tôm biển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ngoài các yêu cầu đó, điều khiến nhiều hộ nuôi còn e ngại chưa dám mạnh dạn đầu tư  theo mô hình hai giai đoạn, bởi đây là mô hình nuôi tôm kỹ thuật cao, với chi phí đầu tư ban đầu lớn, trên 100 triệu đồng cho 1 ao nuôi 1.500 m2. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi liên tục thất bại trong những vụ trước nên không thể đầu tư.

Các hộ nuôi tôm ở Bến Tre đang tiếp tục thả giống cho vụ nuôi tôm biển thâm canh 2017. Bên cạnh các giải pháp quản lý mùa vụ của ngành chức năng thì việc có các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân đầu tư áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng hình thức nuôi mới là rất cần thiết để vụ nuôi đạt kết quả cao. 

THBT