TIN THỦY SẢN

Bến Tre: Tập trung phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hữu Hiệp Hữu Hiệp (thực hiện)

Tình hình nuôi tôm biển từ đầu vụ đến nay gặp nhiều khó khăn, do dịch bệnh trên tôm diễn ra ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh. Diện tích thiệt hại ngày càng tăng cao, cùng với giá tôm sụt giảm khá sâu, đó là nỗi lo không chỉ của người nuôi mà cả ngành Nông nghiệp, bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh.

Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng này, phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) như sau:

* Ông đánh giá như thế nào trước tình hình người nuôi gặp nhiều khó khăn trong mùa vụ năm nay, bởi đã xảy ra dịch bệnh trên tôm và giá bán tôm sụt giảm?

- Từ đầu vụ đến nay, tổng diện tích thả giống thủy sản ước 39.180ha, đạt 83,72% so với kế hoạch năm. Trong đó, tôm biển thâm canh, bán thâm canh 3.784ha (tôm sú 439ha; tôm chân trắng 3345ha) đạt 58% so với kế hoạch năm, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, một số vùng nuôi đã xảy ra dịch bệnh. Do đó, các hộ nuôi thả giống chậm lại và chờ môi trường ổn định mới tiếp tục thả giống. Mặt khác, giá tôm chân trắng, tôm sú trong những tháng đầu năm giảm mạnh, cỡ 100 con/kg giá bán từ 75 - 80 ngàn đồng/kg, người nuôi chờ giá tôm tăng trở lại mới thả nuôi.

* Vậy đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?

- Từ đầu vụ đến nay, tổng diện tích thiệt hại 779ha, trong đó tôm sú 104ha, tôm chân trắng 675ha. Nguyên nhân tôm chết là do bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy. Nguyên nhân dẫn đến tôm bệnh là do nắng nóng, nhiệt độ cao, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm lớn. Chất lượng con giống kém, nuôi mật độ cao. Một số cơ sở nuôi khi có tôm chết không tiêu hủy mà lén lút xả thải ra kênh rạch tự nhiên dẫn đến lây lan bệnh cho khu vực xung quanh.

Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp do thời tiết diễn biến bất thường như mưa đầu mùa, nắng nóng tiếp tục kéo dài.

* Công tác chỉ đạo mùa vụ nuôi, quản lý vùng nuôi, người nuôi như thế nào?

- Thời gian qua, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành khung lịch thời vụ thả nuôi tôm biển năm 2015, theo đó từ ngày 15-1 cho phép thả giống nuôi tôm biển với mọi hình thức. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền cho người dân biết để nghiêm chỉnh chấp hành tốt lịch mùa vụ nuôi tôm biển năm 2015. Xây dựng kế hoạch phân công các đơn vị có liên quan hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Đồng thời, triển khai các giải pháp như kiện toàn Ban chỉ đạo vụ nuôi thủy sản tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phối hợp với địa phương trong công tác quản lý mùa vụ nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản. Triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi; ban hành văn bản hướng dẫn về việc sử dụng hóa chất Chlorine để phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Ban hành các khuyến cáo thời điểm thả giống cho từng vùng nuôi tôm biển; một số giải pháp phòng bệnh đốm trắng.

Chỉ đạo các đơn vị triển khai kế hoạch kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y; điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh và nuôi trồng thủy sản theo Thông tư số 45 của Bộ NN&PTNT. Tiếp tục theo dõi việc khắc phục tình hình nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch và các nội dung liên quan theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 6111 ngày 12-12-2013 của UBND tỉnh.

* Theo ông, để mùa vụ nuôi năm nay đạt kết quả, cần có những giải pháp gì?

- Công việc cần thực hiện trong thời gian tới là tập trung công tác quản lý và phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo kế hoạch vụ nuôi năm 2015 đạt kết quả. Trong đó, triển khai tốt Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo vụ nuôi và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản. Tăng cường công tác tuyên truyền cho các đối tượng từ kinh doanh thuốc thú y thủy sản đến hộ nuôi thực hiện tốt công tác quản lý môi trường vùng nuôi, không xả thải mầm bệnh ra môi trường tự nhiên; công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm biển nuôi như thả tôm theo đúng lịch thời vụ, thả tôm giống phải qua kiểm dịch.

Cử cán bộ bám sát địa phương theo dõi sát tiến độ thả giống, nắm bắt kịp thời tình hình nuôi, dịch bệnh để tham mưu chỉ đạo, xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân. Tập trung hỗ trợ dập dịch kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, hạn chế lây lan dịch bệnh. Tiếp tục phối hợp hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và thành lập mới các Ban quản lý vùng nuôi thủy sản. Tập trung theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giống thủy sản đối với các trại giống trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản; thực hiện thống kê, kiểm tra đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, giống thủy sản; cơ sở nuôi trồng thủy sản theo Thông tư số 45 của Bộ NN&PTNT.

* Xin cảm ơn ông!

Hữu Hiệp (thực hiện) Báo Đồng Khởi, 08/06/2015