Bền vững sản xuất lúa - tôm
Những năm gần đây, nông dân xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) thực hiện rất hiệu quả mô hình tôm - lúa nhờ sự đầu tư hiệu quả hệ thống thuỷ lợi với 4 trạm bơm, các kênh thuỷ lợi được nạo vét thường xuyên, qua đó chủ động được nước phục vụ tốt cho sản xuất.
Nhờ vậy, vụ lúa vừa qua, vào thời điểm mưa lớn kéo dài, trong khi tại nhiều địa phương khác lúa bị ngập úng nhưng nông dân Lý Văn Lâm không bị thiệt hại nào đáng kể, năng suất lúa trung bình đạt 5,2 tấn/ha.
Khẳng định hiệu quả
Từng được coi là ấp khó khăn nhất xã với việc trồng lúa 2 vụ không hiệu quả, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất lúa - tôm, đời sống kinh tế nông dân ấp Ông Muộn ngày càng khấm khá hơn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm Mạc Ngọc Truyền tự hào: “Nhờ lúa - tôm mà nông dân ấp Ông Muộn giờ khá lên, những căn nhà tường khang trang mới cất này phần lớn là của thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn. Nông dân trước còn e ngại nhưng giờ rất quyết tâm thực hiện mô hình này”.
Trước đây khi làm lúa 2 vụ năng suất thấp, thêm vào đó là canh tác theo kiểu “tự sản, tự tiêu” nên giá cả đầu ra không ổn định, lại bị thương lái ép giá nhưng giờ đã khác.
Ông Nguyễn Thanh Hợp, ấp Ông Muộn, phấn khởi cho biết: “Vụ lúa vừa rồi của tôi tính trung bình cũng đạt gần 6 tấn/ha, đầu ra rất ổn định vì có HTX thu mua, không bị ép giá như trước đây. Nhờ có hệ thống thuỷ lợi khép kín nên mình chủ động được nước, vụ này mới xuống giống và tình hình thấy rất khả quan, mạ đang phát triển tốt”.
Nói về hình thức canh tác một vụ lúa một vụ tôm, ông Hợp hào hứng: “Mô hình này cả tôm và lúa đều cho hiệu quả tốt. Lúa trồng trên đất nuôi tôm được thu mua giá cao hơn so với vùng chuyên lúa, đặc biệt là lúa rất ít sâu bệnh nên chi phí sản xuất, phân bón thấp, lợi nhuận cao hơn”.
“Mô hình lúa - tôm được người dân rất ủng hộ nên họ tuân thủ tốt lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo cũng như kỹ thuật rửa mặn nhằm đảm bảo đủ điều kiện xuống giống vụ lúa”, ông Mạc Ngọc Truyền cho biết.
Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Trần Quyết Toán thông tin: “Những năm gần đây, nhờ được đầu tư 4 trạm bơm nên nông dân chủ động được nguồn nước, đợt mưa lớn vừa qua chỉ có vài héc-ta bị ngập nhưng thiệt hại không đáng kể. Nông dân đang gieo sạ lúa trên đất nuôi tôm, dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ đạt 100% diện tích theo kế hoạch với 180 ha”.
Phát huy kinh tế tập thể
Để đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, xã Lý Văn Lâm phát triển mạnh kinh tế tập thể với việc thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm và HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn. Đây là những đơn vị bao tiêu sản phẩm cũng như chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho thành viên HTX và các thành viên liên kết sản xuất.
Dù chỉ được thành lập hơn 1 năm, nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn đã phát huy hiệu quả với việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn Nguyễn Văn Tiếp cho biết: “Hiện HTX có 7 thành viên chính thức và trên 20 thành viên liên kết, đảm bảo bao tiêu đầu ra sản phẩm lúa cho nông dân tham gia chuỗi liên kết. Chúng tôi xây dựng thương hiệu gạo sạch của HTX nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khi bán đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, thương hiệu gạo của HTX cũng đã được giới thiệu và bán đến thị trường TP Hồ Chí Minh, khách hàng đánh giá rất cao. Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến mẫu mã, đầu tư trang thiết bị hiện đại để đóng gói và bảo quản sản phẩm tốt hơn, hy vọng thời gian tới thị trường tiêu thụ sẽ mở rộng hơn”.
Hiện tại, HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn đã đầu tư máy gặt với mục tiêu không chỉ phục vụ cho thành viên HTX mà cả nông dân trên địa bàn xã.
“Hiện chúng tôi tiếp tục củng cố và hỗ trợ các HTX trên địa bàn xã hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn. Khuyến khích nông dân canh tác lúa đạt chuẩn VietGAP, đặc biệt là khu vực quy hoạch sản xuất lúa - tôm. Ngoài hệ thống thuỷ lợi thì tăng cường phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật giúp nông dân có kiến thức trong việc nuôi tôm cũng như trồng lúa sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường hiện nay”, ông Trần Quyết Toán thông tin thêm.