TIN THỦY SẢN

Bí quyết làm giàu của chủ trang trại bạc tỷ bên dòng Lô Giang

Ao nuôi ba ba thương phẩm của ông Nghiên. Nguyễn Vinh Minh

“Hơn chục năm trước, có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng mình có thể tạo lập được cơ ngơi như ngày hôm nay. Nhiều người nói việc làm kinh tế của gia đình tôi giống như truyện cổ tích cũng không ngoa”.

Thương binh Nguyễn Văn Nghiên - chủ trang trại bạc tỷ bên dòng Lô Giang đã chia sẻ như vậy. Trang trại của ông Nghiên ở thôn Ngạc Thị, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc.

Từ chiếc xoong, 2 bộ quần áo...

Ông Nghiên nhập ngũ năm 1977, chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ. Năm 1979, ông bị thương. Đầu năm 1981, ông xuất ngũ về địa phương, cuối năm lập gia đình.

Nhà ông đông anh em, bố mẹ lại nghèo, vợ chồng trẻ ra ở riêng ngay sau ngày cưới với vốn liếng lận lưng là 2 bộ quần áo mới cùng 1 cái xoong con - quà mừng của 3 người bạn. Dù là đối tượng ưu tiên nhưng vợ chồng ông vẫn không xin được đất thổ cư, phải dắt díu nhau dựng lán ở nhờ từ vườn nhà người thân đến bãi đất hoang ven hồ suốt mấy năm trời. “Đó là giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt nhất đối với tôi, nhất là lúc vợ vừa sinh con. Có lúc gạo, muối, tiền đều hết, cả tuần hai vợ chồng phải ăn rau muống, rau lang, rau má trừ bữa. Khổ nhất là chỗ ở trong lều tạm nay đây mai đó, không chỗ nào an cư quá 1 năm. Đường cùng, năm 1986 tôi quyết định đưa vợ con ra sông Lô làm bè sinh sống và nuôi cá lồng. Sự lựa chọn này đã tạo bước ngoặt và đến giờ tôi vẫn biết ơn vì điều đó” - ông Nghiên nhớ lại.

Từ những lồng cá trắm cỏ trên sông, dưới bàn tay cần cù của vợ chồng ông, sau gần 2 năm, nợ được trả, kinh tế dần ổn định, cuộc sống của gia đình bớt khó khăn phần nào. Nhưng điều khiến ông trăn trở đó là sự “thiếu bền vững” về năng suất, chất lượng của những lứa cá lồng phụ thuộc vào dòng chảy con nước và thời tiết. Hơn nữa, là tương lai của những đứa con đang ngày một lớn khôn trên bè...

Biến những lo lắng thành hành động, vợ chồng ông chắt chiu mua được gần chục sào đất ven sông. Năm 1992 cả gia đình ông rời bè lên bờ, dựng nhà định cư, đào ao, thầu ngòi nuôi cá. Thời gian đầu ông nuôi cá thịt, sau chuyển sang sản xuất cá giống.

Thành công với ba ba

“Nếu chỉ độc canh nuôi cá, sẽ có lúc thị trường bão hòa, không tìm được đầu ra. Phải kết hợp nuôi thêm con mới...”- suy nghĩ ấy canh cánh bên ông từ lúc ao cá giống đang được giá. Cơ duyên lại đến vào năm 2007, xem tivi có chương trình hướng dẫn ND làm giàu từ nuôi ba ba, ông quyết định chuyển sang nuôi con vật này để chinh phục giấc mơ tỷ phú. Tiền của gia đình cộng với vay mượn của anh em họ hàng được 120 triệu đồng, ông mua 500 con ba ba giống Đài Loan (cỡ 0,4-0,5cm/con) về nuôi. Để có kiến thức chăm sóc ba ba, ông tìm đọc tài liệu, xem băng đĩa và dành thời gian cả tháng đi đến các trang trại nuôi ba ba lớn ở miền Bắc học hỏi. Ba ba nuôi 8 tháng bắt đầu sinh sản, trứng nhiều nên ông nghiên cứu cách ấp trứng để chủ động con giống.

Năm 2009, lứa ba ba đầu tiên của ông xuất ao, trọng lượng bình quân 3kg/con, đem về trên 500 triệu đồng. Lần giở cuốn sổ dày cộp, ông bảo, từ năm 2009 đến nửa đầu năm 2013, ông đã bán ra thị trường gần 40.000 con ba ba giống và hàng ngàn con ba ba thịt, thu lãi từ 250- 350 triệu đồng mỗi năm.

Ba năm trở lại đây, ông còn đầu tư trên 500 triệu đồng kinh doanh cây cảnh. Trong vườn nhà ông hiện có hơn 500 cây si lớn nhỏ, trị giá trên 5 tỷ đồng. Ông đã xây nhà 5 tầng với nội thất sang trọng, mua ô tô tiền tỷ sang nhất xã... 

Ông Nghiên được bà con kính trọng còn bởi tấm lòng hào hiệp, luôn sẵn sàng giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn, trong xã vốn làm ăn không lấy lãi, với số tiền hiện đã tới hàng trăm triệu đồng. Với những gia đình thương, bệnh binh hoàn cảnh khó khăn, ông đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá hoặc ba ba, trồng cây cảnh.

Nguyễn Vinh Minh Báo Dân Việt