“Biển chết” trên đại dương
Không phải “Biển chết” nằm ở khu vực Trung Đông vì độ mặn quá cao mà là vùng “nước chết”, hay còn gọi là “biển chết” trên vịnh Mexico và nhiều đại dương trên trái đất do thiếu ôxy hoặc bị ô nhiễm quá nặng.
Cơ quan Khí quyển và Đại Dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ ngày 26-6 đã cảnh báo rằng diện tích vùng “nước chết” tại vịnh Mexico có thể gia tăng kỷ lục trong năm nay do hậu quả ô nhiễm môi trường. Theo NOAA, diện tích vùng “nước chết”, tức là khu vực không có khí ôxy cho các sinh vật biển sinh sống, tại vịnh Mexico trong năm nay có thể lên tới 22.172 km2.
Diện tích vùng “nước chết” năm nay vượt diện tích vùng “nước chết” lớn nhất được ghi nhận trên vịnh Mexico ở vùng biển ngoài khơi các bang Louisiana, Texas, Florida của Mỹ và quốc gia Mexico láng giềng vào năm 2002 với tổng diện tích 21.965km2. Diện tích vùng “nước chết” tại vịnh Mexico năm nay cao hơn bất thường so với diện tích vùng “nước chết” chỉ 7.482 km2 đo được trong năm 2012.
Theo Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP), nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “biển chết” tại khu vực vịnh Mexico là việc sử dụng tràn lan các loại phân bón hóa học giàu nitrogen tại những cánh đồng miền Tây Nam nước Mỹ. Qua thời gian, mưa lũ đã làm xói mòn đất và cuốn đi một lượng lớn phân bón trên bề mặt đất trồng xuống sông Mississippi và phân bón từ con sông này chảy vào vịnh Mexico khiến các loài tảo ở đây bùng phát, chiếm hết khí ôxy khiến mọi sinh vật từ trai, tôm hùm, sò huyết cho tới các loài cá đều chết ngạt.
NOAA cho rằng diện tích “nước chết” tại vịnh Mexico năm nay lên tới mức kỷ lục là do tình trạng lũ lụt gia tăng tại miền Trung Tây nước Mỹ thời gian qua khiến một khối lượng lớn phân bón từ lưu vực sông Mississippi bị đẩy theo nước lũ trôi ra vịnh Mexico. Diện tích vùng “nước chết” tại vịnh Mexico lên mức kỷ lục không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật mà còn gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực câu cá thương mại và giải trí, đe dọa nền kinh tế khu vực.
Diện tích vùng “nước chết” tại vịnh Mexico lên mức kỷ lục đã thêm một lần nữa báo động về một mối nguy mới ở nhiều đại dương trên thế giới. Hiện tượng vùng “nước chết”, hay còn gọi là vùng “biển chết”, được ghi nhận lần đầu tiên tại bờ biển Adriatic trong những năm 1950. Do tình trạng ô nhiễm công nghiệp cũng như hệ thống sông ngòi nhiễm phân lân và nitrogen đổ ra biển theo các dòng sông nên hiện tượng “biển chết” thường xuất hiện gần các khu vực đông dân cư.
Nếu như trước đây vùng “biển chết” thường chỉ xuất hiện tại những khu vực biển tĩnh, nơi có các luồng nước thấp luân chuyển, thì nay hiện tượng này xuất hiện ở cả những khu vực khai thác thủy sản thương mại như ở Baltic (hiện được coi là vùng “biển chết” lớn nhất thế giới), eo biển Kattegat (Thụy Điển), Biển Đen, vịnh Mexico... Kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, số lượng những vùng “biển chết” đã tăng gấp đôi sau mỗi thập niên và hiện đã có gần 150 vùng “biển chết” trên các đại dương với tổng diện tích khoảng 245.000km2.
Các nhà khoa học cho rằng các vùng “biển chết” đang trở thành vấn đề môi trường nan giải đối với thế giới. Đây là mối đe dọa lớn tới ngành nuôi trồng thủy sản, trao đổi thương mại tôm cá gần bờ và qua đó là đời sống ngư dân ở nhiều vùng ven biển trên thế giới.